Chiều 31/12, vùng áp thấp trên biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, tâm cách đảo Trường Sa (quần đảo Trường Sa) khoảng 150 km về phía Nam Đông Nam. Sức gió tối đa 60 km/h (6-7), giật tăng hai cấp.
Đêm và ngày mai, áp thấp nhiệt đới đi theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10-15 km/h. Đến 13h ngày 1/1/2019, áp thấp nhiệt đới còn cách đảo Huyền Trân (quần đảo Trường Sa) khoảng 180 km về phía Nam Tây Nam, giữ nguyên sức gió.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo, áp thấp nhiệt đới sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10 km/h và có khả năng mạnh lên thành bão. Đầu giờ ngày 2/1, bão cách mũi Cà Mau khoảng 390 km về phía Đông Nam, sức gió tối đa khoảng 75 km/h (cấp 8), giật cấp 10.
Áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh khiến vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (gồm cả huyện đảo Phú Quý) và phía Tây của khu vực Nam Biển Đông có gió mạnh tối đa cấp 7, giật tăng 3 cấp, biển động mạnh.
Ở vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc và giữa biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh và có khả năng kéo dài 2-3 ngày tới.
Theo dự báo của đài Mỹ và TSR (Đại học London), áp thấp nhiệt đới này có hướng di chuyển gần giống với áp thấp nhiệt đới vừa tan ngay trước đó vài ngày, tức là đi lệch về phía Nam chứ không vào thẳng đất liền.
Hình ảnh trên vệ tinh của cơ quan khí tượng Mỹ cho thấy có nhiều mây bao phủ từ Nam Trung Bộ đến các tỉnh Nam Bộ. Vì vậy, trong vài ngày tới dự báo các tỉnh từ Khánh Hòa đến Cà Mau sẽ có mưa lớn kèm giông lốc.
Hữu Nguyên