-
00h30
Xã biển ở Huế ngừng cấp điện
Khoảng 0h20, khu vực ven biển ở xã Hải Dương, TP Huế có mưa lớn, gió giật mạnh, rít liên hồi. Cứ vài phút thì xuất hiện sấm chớp sáng rực cả một vùng trời. Lúc này, hệ thống điện bắt đầu bị ngắt. Ông Nguyễn Đại Phúc, giám đốc công ty điện lực Thừa Thiên Huế cho biết, khu vực xã Hải Dương có gió lớn nên hệ thống tự động ngắt điện. Do đó, hiện chưa có thống kê số lượng các xã phường bị mất điện, cũng như vị trí đường dây gặp sự cố.
Một người dân ở xóm Hương Giang, xã Hải Dương - nơi đang bị cô lập vì nước biển tràn qua bờ đê vào làng, cho biết thời điểm này thủy triều dâng cao. Hai tiếng trước, nước ngập đường, thì hiện đã vào đến sân nhà. "Không có điện, tôi phải trực xuyên đêm để theo dõi diễn biến bão, kịp thời cảnh báo gia đình", người này nói.
-
0h15
Phó thủ tướng: Đà Nẵng phải đưa 60 người đang ở âu thuyền lên bờ
Sau khi kiểm tra, làm việc tại Quảng Trị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đến Thừa Thiên Huế để điều hành công tác phòng chống bão Noru từ trụ sở Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh. Tại trung tâm điều hành của Ban Chỉ huy, ông tiếp tục theo dõi diễn biến bão và tình hình từ các địa phương. 0h ngày 28/9, Phó Thủ tướng triệu tập cuộc họp trực tuyến đến các điểm cầu để các tỉnh báo cáo diễn biễn thực tế.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, hiện địa bàn thành phố đang mưa lớn, gió cấp 6-7. Dữ liệu từ camera an ninh giám sát ở khu vực hai bên sông Hàn vẫn ổn, chưa có vấn đề lớn. Tuy nhiên, vẫn còn 60 người dân ở lại trên tàu tại âu thuyền Thọ Quang dù lực lượng chức năng tích cực vận động. Công an, biên phòng đang giám sát để xử trí.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu thành phố Đà Nẵng bằng các biện pháp phù hợp, đưa 60 người vẫn đang ở dưới thuyền lên bờ.
Ông cũng chỉ đạo lãnh đạo các địa phương bị ảnh hưởng của bão, cách 2 giờ phải gọi điện báo cáo tình hình về thường trực Ban chỉ đạo tiền phương, đảm bảo kịp thời điều lực lượng hỗ trợ. "Thiên tai không biết trước được. Đôi khi chúng ta dự báo bão đang giảm nhưng có thể ít giờ sau lại tăng nên, nên cần phải thông tin kịp thời, khi có diễn biến phức tạp phải báo cáo ngay lập tức", Phó thủ tướng nói.
-
00h00
Bão Noru cách Quảng Nam 75 km
Lúc 0h, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết bão còn cách Đà Nẵng khoảng 88 km, cách Quảng Nam khoảng 75 km về phía đông, cách Quảng Ngãi 85 km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất 149 km/h, cấp 13, giật cấp 15.
Trong 3 giờ tới bão giữ nguyên hướng và tốc độ so với trước đó. Hiện Trung tâm đã đo được gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 ở đảo Lý Sơn; đảo Cồn Cỏ cấp 7, giật cấp 9; Đồng Hới cấp 7; A Lưới cấp 9; Đà Nẵng cấp 7; Tam Kỳ gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Quảng Ngãi cấp 7; Quy Nhơn, Tuy Hoà cấp 6.
Lượng mưa tính từ 7h đến 23h ngày 27/9 có nơi trên 230 mm như: Nam Đông (Thừa Thiên Huế) gần 300 mm, Trạm Kiểm lâm Sông Bắc (Đà Nẵng) hơn 230 mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) hơn 330 mm.
Ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Khí tượng Thuỷ văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nói, còn 2 đến 3 giờ nữa bão lên cấp 10 và vào bờ, mạnh nhất với gió khoảng cấp 12-13, riêng thành phố Huế gió khoảng cấp 10. Lượng mưa phổ biến 400 mm, có điểm mưa lên đến 600-700 mm.
-
23h30
Quảng Nam gió rít liên hồi
Tại TP Tam Kỳ, trời bắt đầu nổi gió theo từng đợt, ngọn cây nghiêng ngả, nhiều cành bị gãy. Gió kèm theo mưa lớn quật ầm ầm vào mái tôn.
Được khuyến cáo, người dân đều ở trong nhà. Những hộ dân ở nhà cấp 4 đã di chuyển đến nhà hàng xóm, người thân có nhà cao tầng để tránh bão.
Anh Đoàn Văn Hội, khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh, nói: "Bão lớn, lại vào ban đêm nên tôi không tài nào chợp mắt, chỉ lo gió giật mất mái tum, rồi mưa lớn sau bão gây ngập lụt, chia cắt", anh nói.
Cách TP Tam Kỳ 20 km, chị Vương Thị Dung, ở xã ven biển Bình Minh, huyện Thăng Bình, nơi được gọi làng Chanchu, cho biết trời gió bắt đầu mạnh lên kèm theo mưa lớn. Chị ở tại nhà cùng gia đình, không đi sơ tán vì nhà có hai căn phòng đổ bê tông kiên cố. "Nghe tin bão đổ bộ, gia đình đã chèn chống từ hôm qua, giờ ở yên trong nhà chờ bão qua", chị nói
.
-
23h00
Tâm bão cách Quảng Nam - Quảng Ngãi khoảng 95 km
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết đã đo được bão mạnh cấp 10, giật cấp 12, tăng một cấp so với thời điểm 22h. Các đảo cũng ghi nhận cấp bão tăng, như Cồn Cỏ cấp 7, giật cấp 9; Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng giật cấp 7.
Lượng mưa tính từ 7h đến 22h ngày 27/9 có nơi trên 220 mm như: Hồ Thuỷ Yên (Thừa Thiên Huế) gần 280 mm; Hòa Bắc (Đà Nẵng) trên 230 mm; Lý Sơn (Quảng Ngãi) trên 240 mm.
Tâm bão đang cách Đà Nẵng khoảng 108 km, cách Quảng Nam khoảng 95 km, cách Quảng Ngãi khoảng 95 km về phía đông, sức gió mạnh nhất 149 km/h, cấp 13, giật cấp 15. Trong 3 giờ, tới bão tiếp tục theo hướng tây với tốc độ 20 km/h.
-
22h35
Quảng Ngãi mưa lớn kèm gió mạnh
Mưa lớn, gió thổi mạnh tạo thành tiếng hú, làm nghiêng ngả các hàng cây trên địa bàn Quảng Ngãi. Bên ngoài hầu như không có người vì người dân đã ở trong nhà hoặc đến nơi trú bão tập trung.
-
22h30
Người Đà Nẵng lo âu trong 'yên lặng bất thường'
Đà Nẵng chỉ còn những cơn mưa rải rác, gió nhẹ. Vùng ven sông Hàn và Biển Đông cũng không có gió giật. Song nhiều người lo lắng trước thời tiết yên lặng bất thường có thể tiềm ẩn nguy cơ lớn trước giờ cuồng phong đổ bộ.
Hoàng Nhung, sinh viên trọ ở phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, liên tục cập nhật tình hình cho người thân ở miền Bắc, cách hơn 700 km. Gia đình cô không ai ngủ được, liên tục hỏi thăm tình hình. "Trời cứ dị dị sao ấy, thấy hồi hộp ghê gớm. Mong là thành phố yên ổn qua đêm nay", Nhung nhắn cho chị gái.
Bốn năm trọ học ở Đà Nẵng, đây là cơn bão mạnh thứ hai cô trải qua, sau bão Molave tháng 10/2020. Thành phố đã cấm đường từ 20h, hiện tại không có người dân ra đường. Ngoại trừ xe cứu thương và lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống bão. Một số cây xanh thân nhỏ ở khu vực trung tâm, dọc các tuyến đường Trần Phú, cầu Rồng, cầu sông Hàn, Võ Văn Kiệt... bị gãy đổ.
-
22h10
Dừng lưu thông qua miền Trung và Tây Nguyên
Cục Cảnh sát giao thông cho biết, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tạm dừng lưu thông tại hai đầu bắc, nam qua miền Trung và Tây Nguyên từ 22h. Lực lượng chức năng cấm các tuyến đường như quốc lộ 1A, quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và dọc các tuyến từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, các tuyến từ Tây Nguyên xuống các tỉnh miền Trung.
-
22h05
Gió bão giảm còn 149 km/h, cấp 13
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, đảo Lý Sơn đã ghi nhận bão cấp 9, giật cấp 11 (tăng một cấp so với trước đó).
Hiện tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 130 km, cách Quảng Nam khoảng 115 km, cách Quảng Ngãi khoảng 108 km về phía đông, sức gió mạnh nhất 149 km/h, cấp 13, giật cấp 15. Trong 3 giờ tới bão theo hướng tây với tốc độ 20 km/h. Như vậy khoảng 1-3h sáng mai, tâm bão vào đất liền.
Lượng mưa tính từ 7h đến 21h ngày 27/9 có nơi trên 200 mm như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) hơn 240 mm, Suối Đá (Đà Nẵng) 220 mm, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) hơn 200 mm.
-
22h00
'Gió ở Lý Sơn giật cấp 12'
Cũng xác nhận bão Noru bắt đầu đổ bộ, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết trên địa bàn mưa to, gió mạnh cấp 10, giật cấp 12. Địa phương đang huy động tối đa lực lượng chống bão và người dân đã được đưa vào nơi tránh trú an toàn, chưa ghi nhận thiệt hại về người.
Anh Chí Tâm, một người dân sống ở Lý Sơn, nói bão Noru có sức gió lớn hơn bão Movale đổ bộ lên đảo cách đây hai năm. Càng về khuya, mưa gió rất lớn làm các mái tôn trên mái nhà va vào nhau. Tuy nhiên, có sự chuẩn bị trước nên hiện nhà anh chưa ghi nhận thiệt hại.