Với sức gió cấp siêu bão 185-210 km/h, Noru quét qua Philippines ngày 25/9 làm 6 nhân viên cứu hộ thiệt mạng, nhiều nơi ngập lụt, nhà cửa bị tàn phá. Đến gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bão tăng hai cấp do được tiếp năng lượng từ vùng biển nóng ẩm.
Ứng phó với cơn bão được dự báo mạnh nhất trong 20 năm qua khi chạm bờ biển miền Trung, từ ngày 26/9, các tỉnh từ Quảng Bình tới Bình Thuận đã rà soát, sẵn sàng sơ tán 868.230 dân; tổ chức kêu gọi, kiểm đếm và hướng dẫn cho hơn 57.800 tàu với 300.000 lao động tránh trú bão. Ban Chỉ đạo tiền phương chống bão, đặt tại TP Đà Nẵng, được thành lập hôm 26/9.
Bão Noru được dự báo quét qua đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 22h ngày 27/9 và đổ bộ các tỉnh miền Trung rạng sáng hôm sau. Tuy nhiên, 15h30, một cơn lốc xoáy quét qua thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Chỉ khoảng 3 phút, hàng loạt mái nhà đổ sập tạo tiếng nổ như bom. Thống kê ban đầu có 300 nhà dân, cửa hàng, chợ bị tốc mái, 2 nhà sập hoàn toàn, 4 người bị thương.
16h, các tỉnh miền Trung mưa tầm tã, kèm gió mạnh. Tại Thừa Thiên Huế, nhiều nơi sóng biển dâng cao tràn bờ kè. Người dân trong nhà cấp 4 ở các khu vực xung yếu được công an, quân đội cùng với chính quyền địa phương di dời qua những nơi kiên cố hơn để đảm bảo an toàn.
Ông Trần Sáng, 60 tuổi, ở xã Hải Dương, TP Huế, thấp thỏm theo dõi thông tin thời sự. Noru khiến ông nhớ lại cơn bão lịch sử Cecil năm 1985 làm nhiều người chết. "Mấy chục năm sống ở xã ven biển, tôi thấy cơn bão năm 1985 là dữ dội nhất khi mưa to, gió lớn", ông Sáng kể và cho biết gia đình đã tích trữ lương thực, đề phòng bão chia cắt.
17h, tại Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam, gió lớn cùng sóng biển bắt đầu dữ dội, cao 4-6 m, tràn sâu vào đất liền. Gió giật từng hồi làm hàng trăm hàng quán, ki-ốt cùng nhà dân bị sập, tốc mái. Một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ngãi cấm người dân ra đường từ 20h để đảm bảo an toàn.
Thống kê từ thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, 8 người dân bị thương do ngã từ mái nhà xuống khi đang gia cố nhà cửa. Trong đó, một ca nặng chấn thương vùng đầu và cổ phải chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng; một người bị sụn cột sống, chấn thương đầu được điều trị ở Đa khoa Bắc Quảng Nam.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch xã Tân Hiệp, đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An), cho biết trên đảo mưa to, gió lớn, nước biển dâng cao khiến sóng vỗ ầm ầm vào bờ kè. Chính quyền đã sơ tán, di dời người dân đến nơi trú tránh an toàn.
17h45, Đà Nẵng đã cho đóng cầu Thuận Phước do nằm ở cửa sông Hàn, chịu tác động mạnh của gió bão; đóng đường lên bán đảo Sơn Trà; cấm tắm biển và cấm người dân ra đường từ 20h. Tòa nhà Trung tâm hành chính 37 tầng cũng bít cứng cửa chính, dùng lưới vây quanh khu vực sảnh. Nhiều cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Linh dùng hai container chắn trước cửa để tránh gió bão.
18h30, các tỉnh từ Quảng Trị tới Bình Định đã sơ tán hơn 81.000 hộ với 253.000 người. Tại các vùng nguy hiểm, toàn bộ tàu cá không còn hoạt động. Nhà chức trách khuyến cáo người dân không ra đường tới khi bão tan; dừng một số hoạt động để tránh bão.
Bộ đội biên phòng 10 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận điều động hơn 2.600 chiến sĩ, 55 phương tiện giúp dân chống bão. Bộ đội cũng chằng chống gần 2.100 nhà dân, 24 điểm trường học, di dời gần 23.000 người đến nơi an toàn, đưa hơn 2.400 phương tiện lên bờ tránh bão... Biên phòng và chính quyền các địa phương vận động ngư dân trên lồng bè thủy sản, tàu neo đậu tại các bến lên bờ trước khi bão vào.
19h, bão cách đất liền Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 180 km, sức gió mạnh nhất 166 km/h, cấp 13-14, giật cấp 16. Trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh thành, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tất cả phòng trực tuyến địa phương phải mở liên tục, lãnh đạo túc trực để họp ngay khi cần. Cuộc họp có thể kéo dài xuyên đêm để kịp thời xử lý các tình huống.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu tạm dừng lưu thông tại hai đầu bắc, nam qua miền Trung và Tây Nguyên từ 22h. Lực lượng chức năng cấm các tuyến đường như quốc lộ 1A, quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và dọc các tuyến từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, các tuyến từ Tây Nguyên xuống các tỉnh miền Trung.
20h, là nơi được dự báo có tâm bão đi qua, lại nằm sát bờ biển, nhưng TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, mới mưa nhỏ, gió lặng. Nhà dân đồng loạt đồng cửa, hàng quán dọn dẹp và di dời vật dụng từ chiều. Một số tuyến phố như Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo tối om do mất điện, chỉ còn vài bóng đèn cao áp tỏa sáng.
21h, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 140 km, Quảng Nam khoảng 127 km, Quảng Ngãi khoảng 117 km về phía đông, sức gió mạnh nhất 166 km/h, cấp 13-14, giật cấp 16. Do ảnh hưởng của bão, Huế; Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên) đã có gió giật cấp 6, Đà Nẵng có gió giật cấp 7.
Lượng mưa tính từ 7h đến 20h ngày 27/9 có nơi trên 180 mm như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 197 mm, Thọ Quang (Đà Nẵng) 200 mm, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) hơn 200 mm, Núi Thành (Quảng Nam) 185 mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) gần 190 mm.
22h, tại Đà Nẵng người dân lo âu trong "yên lặng bất thường" khi mưa nhỏ, gió lặng. Dọc các tuyến phố, hàng quán, khách sạn, nhà dân... đóng chặt cửa. Thành phố chỉ còn xe cứu thương, ôtô công vụ trên các tuyến đường. "Thời tiết này thấy hồi hộp ghê gớm. Mong là thành phố yên ổn qua đêm nay", Hoàng Nhung, sinh viên trọ ở phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, nhắn cho chị gái khi vừa liên tục cập nhật các thông tin thời sự về cơn bão. Suốt 4 năm trọ học ở Đà Nẵng, đây là cơn bão mạnh thứ hai Nhung trải qua, sau bão Molave tháng 10/2020.
Tại cửa biển Thuận An, đoạn qua thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương, TP Huế, trời mưa lớn, gió giật mạnh, rít từng hồi. Nước bắt đầu dâng cao, sóng to, tràn qua bờ đê chắn sóng. Tuyến đường qua thôn Thai Dương Hạ Nam bị nước biển tràn vào ngập sâu hơn 40 cm, khiến 40 hộ dân ở xóm Hương Giang bị cô lập. Công an đã bố trí lực lượng ở lại hỗ trợ người dân nơi đây.
Trong khi đó, tại đảo Lý Sơn - nơi bão dự kiến quét qua trước khi vào đất liền, gió mạnh hơn, giật cấp 12. Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí cho biết trên đảo "gió đập mạnh, rất kinh hoàng, không ai dám ra khỏi nhà". Địa phương huy động tối đa lực lượng chống bão và người dân đã được đưa vào nơi tránh trú an toàn, chưa ghi nhận thiệt hại về người.
Lúc này, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 130 km, cách Quảng Nam khoảng 115 km, cách Quảng Ngãi khoảng 108 km về phía đông.
23h30, sau hơn một giờ gió lặng, Quảng Nam bắt đầu từng đợt gió rít liên hồi, xô ngã hàng loạt cây xanh, quật ầm ầm vào mái tôn các căn nhà. Nhiều người không thể chợp mắt trước những hồi gió rít. Chị Vương Thị Dung, ở xã ven biển Bình Minh, huyện Thăng Bình, nơi có nhiều người mất trong cơn bão Chanchu năm 2006, cho biết trời gió bắt đầu mạnh lên kèm theo mưa lớn. Chị ở tại nhà cùng gia đình, không đi sơ tán vì nhà có hai căn phòng đổ bê tông kiên cố. "Nghe tin bão đổ bộ, gia đình đã chèn chống từ hôm qua và ở yên trong nhà nhưng vẫn không dám chợp mắt", chị nói.
Tại Quảng Ngãi, mưa lớn, gió thổi mạnh tạo thành tiếng hú, làm nghiêng ngả các hàng cây hai bên đường. Bên ngoài hầu như không có người vì người dân đã ở trong nhà hoặc đến nơi trú bão tập trung.
24h, bão giảm còn cấp 13, sức gió 149 km/h; tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 88 km, Quảng Nam khoảng 75 km, cách Quảng Ngãi 85 km, sức gió mạnh nhất 149 km/h, cấp 13, giật cấp 15. Ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Khí tượng Thuỷ văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nói, còn 2 đến 3 giờ nữa bão vào bờ, mạnh cấp 12-13, riêng TP Huế gió khoảng cấp 10. Lượng mưa phổ biến 400 mm, có điểm mưa lên đến 600-700 mm.
Xem diễn biến chính