Lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Denis Pushili hôm 13/7 viết trên Telegram rằng ông hy vọng về "sự hợp tác hiệu quả" và tăng cường thương mại với Triều Tiên, sau khi nước này công nhận độc lập hai vùng ly khai miền đông Ukraine.
Cơ quan đại diện của DPR tại Moskva đăng lên Telegram bức ảnh Đại sứ Triều Tiên tại Moskva Sin Hong-chol trao chứng nhận công nhận cho đặc phái viên DPR Olga Makeyeva.
TASS sau đó cho biết Đại sứ quán Triều Tiên tại Moskva xác nhận thông tin trên. Động thái này khiến Triều Tiên là quốc gia thứ ba sau Nga và Syria công nhận độc lập của DPR và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LNR).
Bình Nhưỡng và Kiev chưa bình luận về thông tin.
Hai tỉnh Donetsk và Lugansk nằm ở vùng Donbass, phía đông Ukraine, trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014, sau khi người dân ở đây đòi tăng quyền tự trị bất thành và tổ chức phong trào phản kháng vũ trang. Trước khi nổ ra chiến sự hồi tháng 2, chính phủ Ukraine hai lần phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát Donbass nhưng đều không thành công.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/2 công nhận DPR và LPR độc lập. Moskva ba ngày sau đó phát động chiến dịch tại Ukraine nhằm "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa". Lực lượng Nga đặt mục tiêu "giải phóng" Donbass và đã kiểm soát Lugansk.
Nga có đường biên giới với Triều Tiên và đã xây dựng quan hệ với nước này từ thời Liên Xô. Năm 2019, ước tính 10.000 lao động Triều Tiên làm việc tại Nga, trong các lĩnh vực khai thác, dệt may và xây dựng.
Tháng 4/2019, ông Kim Jong-un đã gặp ông Putin tại thành phố Vladivostok, vùng viễn đông Nga. Hồi tháng 4, vào dịp kỷ niệm ba năm cuộc gặp thượng đỉnh này, Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh "ngay cả khi đối mặt với thách thức và sức ép từ Mỹ, quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Moskva vẫn tiếp tục phát triển và vững mạnh". Hồi tháng 5, Nga bỏ phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để chặn các nước áp thêm trừng phạt với Triều Tiên.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)