Cục trưởng Hoàng Kim Giao. Ảnh: Hồng Khánh. |
- Vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã giảm thu mua sữa khiến người chăn nuôi phải đổ cả sữa đi. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?
- Vừa qua, khi Bộ Y tế công bố Hanoi Milk có một số sản phẩm dính melamine, các sản phẩm của công ty này khó tiêu thụ và buộc họ phải giảm 50% lượng sữa tươi thu mua mỗi ngày. Những người đã ký hợp đồng bán sữa tươi cho Hanoi Milk vì thế đã gặp khó khăn.
Tuy nhiên, số hộ này không nhiều, chủ yếu ở Hà Nội và khu vực lân cận. Hanoi Milk trung bình chỉ mua 20-22 tấn sữa, khi có sự cố họ giảm còn 10-11 tấn, tức chỉ chiếm 1,5% tổng lượng sữa tươi sản xuất mỗi ngày của cả nước. Các nơi khác việc mua bán sữa tươi diễn ra bình thường.
Nếu đánh tổng thể, "bão" melamine không tác động ghê gớm tới ngành sữa mà còn là cơ hội để sữa tươi khẳng định vị trí trên thị trường. Hiện 70% bò sữa (cả nước có 112.000-115.000 con) ở miền Nam và không có vấn đề gì.
- Có thể hiện tại diện ảnh hưởng của melamine còn hẹp, nhưng ông nghĩ sao nếu thời gian tới rất có thể nhiều doanh nghiệp giảm lượng thu mua sữa?
- Tôi đã làm việc với Vinamilk, Sữa quốc tế, Công ty cổ phần sữa Mộc Châu, họ cho biết sẽ tích cực thu mua sữa ở miền Bắc. Riêng Vinamilk cho hay sẽ tăng mua, đạt khoảng 30 tấn sữa mỗi ngày ở miền Bắc và đang xem xét các cơ sở chưa bán được sữa, xem chuồng trại, đàn bò thế nào, có bảo đảm chất lượng. Hà Nội Milk cam kết với tôi quay lại mua sữa ngay từ hôm nay. Có thể trong tuần này mọi chuyện sẽ trở lại bình thường.
Nhiều nông dân ở Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) đang điêu đứng vì không bán được sữa. Ảnh: Tiến Dũng. |
- Tại sao "bão" melamine" lại là cơ hội để sữa tươi khẳng định vị trí?
- Sữa tươi của ta sản xuất ra mới đáp ứng được 25-27% tổng lượng sữa tiêu thụ trên toàn quốc. Phần lớn còn lại là sữa được chế biến từ nguyên liệu sữa khô nhập khẩu. Các loại sữa nhập khẩu thành phần hóa học có thể bằng sữa tươi, nhưng các hoạt chất sinh học không thể bằng. Việc nhập sữa khô còn chịu nhiều rủi ro, do không kiểm soát được thành phần và vụ melamine là một ví dụ.
Sữa tươi đã được các nhà khoa học đánh giá là tốt nhất. Nếu các công ty đẩy mạnh thu mua sữa tươi nguyên chất, đảm bảo nguồn gốc và chế biến thì rất có lợi cho người tiêu dùng. Thời gian qua tại sao Mộc Châu vẫn tiêu thụ tốt, bởi họ không sử dụng sữa khô, chỉ có sữa tươi.
Muốn có sữa tươi nhiều thì phải đầu tư mở rộng sản xuất và đây chính là cơ hội để sữa tươi khẳng định vị trí, ngành chăn nuôi bò sữa cũng phát triển.
- Cục đã có công văn đề nghị các công ty mua hết sữa cho bà con. Nhưng trong cơ chế thị trường, quan hệ giữa doanh nghiệp và người dân là thuận mua vừa bán. Cục khó có thể ép doanh nghiệp. Vậy có giải pháp nào tổng thể hơn để tăng lượng mua sữa tươi?
- Đúng là trong cơ chế thị trường nhà nước không thể can thiệp. Nhưng như trên tôi đã nói, cơ hội phát triển sữa tươi phụ thuộc nhiều vào việc nhập sữa bột từ nước ngoài về. Vì thế, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ quy định đơn vị thu mua chế biến sữa phải mua được bao nhiêu sữa tươi thì mới được nhập khẩu sữa khô. Phải có hạn mức quota nhất định. Kiến nghị này từ năm 2002-2003, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận.
- Cơn bão melamine đã đẩy nhiều gia đình nuôi bò đến nguy cơ phá sản, nhất là người nghèo. Vậy Cục sẽ đề xuất nhà nước hỗ trợ cho những hộ gặp khó khăn thế nào?
- Phải khẳng định chăn nuôi bò sữa không phải là để xóa đói giảm nghèo. Chỉ những gia đình khá giả mới nuôi được. Bò sữa là loại khó nuôi nhất, rất nhạy cảm với tác động bên ngoài. Mặt khác, sữa là sản phẩm khó bảo quản nhất trong tất cả sản phẩm, chỉ 30 phút đến 1 tiếng sau khi vắt có thể hỏng. Trong quá trình chỉ đạo chăn nuôi bò sữa, chúng tôi luôn khuyến cáo nên đưa bò sữa vào những hộ có điều kiện. Người không có điều kiện thì có thể trồng, cắt cỏ, làm thuê chăm sóc bò.
Còn việc đề nghị sự hỗ trợ từ nhà nước là rất khó, bởi ảnh hưởng của melamine chỉ trong thời gian ngắn, diện rất hẹp, chỉ ở những điểm thu mua sữa ngoài bắc của Hanoi Milk.
- Xót ruột khi thấy sữa bị đổ đi, nhiều người cho rằng nên hướng dẫn bà con tự chế biến ra bánh sữa, phomat... Vậy tại sao cục không hướng dẫn bà con việc này?
- Khi lượng sữa thu mua của Hanoi Milk giảm, tôi đã chỉ đạo cơ sở hướng dẫn bà con đưa sữa tươi về chế biến làm sữa chua, hoặc cô lại thành bánh sữa để ăn và bán dần. Việc chế biến này là bình thường, thường xuyên của những người chăn nuôi bò sữa, bây giờ chỉ nhắc lại thôi. Thực ra làm bánh sữa rất dễ, chỉ cần đun sôi nhỏ lửa, cho chút đường vào cô đặc là thành bánh sữa.
Hồng Khánh thực hiện