Xã Phù Đổng có chừng 560 hộ dân với hơn 1.000 con bò cung cấp 9,5 tấn sữa cho Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoi Milk) và một số công ty khác. Từ xa, khách đã thấy thấp thoáng những đốm khoang đen trắng lom khom bên sườn đê, kèm những tiếng kêu râm ran.
Đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ, còn nông dân ngồi nghĩ cách bán sữa. Ảnh: TD. |
Chiều 3/10, nhiều nông dân ngồi ủ rũ bên sườn đê ngắm đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ. Họ cho biết, thường ngày, vào giờ này, bò đã được lùa về chuồng để chuẩn bị lấy sữa. Tuy nhiên, vài hôm nay, do cơn bão melamine, một số hãng sản xuất sữa ế ẩm đã ngừng nhập nguyên liệu của nông dân.
"Sữa không bán được nên chúng tôi cũng chẳng buồn vắt. Hôm qua không bán được, tôi tiếc của đem về cho con bê ăn, ai dè nó bị tiêu chảy, còn họ hàng được cho nhiều quá lại mắng là đã uống hết đâu mà đem cho", bà Lượt, xã Phù Đổng nói.
Theo người phụ nữ này, gia đình bà là hộ nghèo nên nhà nước cho vay 15 triệu đồng, cộng với chút vốn dành dụm được, bà mua con bê. Sau hơn một năm, con bò đẻ lứa đầu tiên và bắt đầu cho sữa nhưng giờ lại chẳng bán được. "Sữa phải đổ đi hoặc đem cho như thế này, biết lấy đâu tiền tiêu và trả nợ ngân hàng?", vừa nói, bà Lượt vừa nhìn xuống đôi chân trần của mình.
Còn anh Sơn cho biết, với 3 con bò, mỗi ngày riêng tiền thức ăn hết hơn 100.000 đồng, chưa kể công lặn lội sang Đông Anh, Sóc Sơn... cắt cỏ, công đi chăn, vắt sữa. Sau khi trừ chi phí, thu nhập mỗi ngày của gia đình anh còn 150.000 đồng.
18h30, chưa kịp ăn cơm, anh Sơn đã tất tả đèo 2 thùng sữa đến nhà anh Vũ Văn Thực, một trong 3 đại lý thu mua sữa ở xã Phù Đổng. Lúc này, lác đác một số bà con nông dân cũng mang sữa vừa vắt tới bán. Tuy nhiên, anh Thực đều từ chối không nhập vì 5 bể chứa đều đã đầy ắp sữa thu gom từ hôm trước.
Chừng nửa tiếng sau, khu vực sân nhà anh Thực đã chật kín người, với đủ loại bình, thùng đựng đầy sữa. "Bà con thông cảm mang về vì nhà tôi vẫn còn gần 5 tấn chưa bán được nên không còn chỗ chứa. Mọi người cố gắng phân tán trong vài ngày tới, đầu tuần tôi sẽ nhập lại", anh Thực phân trần.
Người đàn ông này kể, trong 14 năm làm đại lý, chưa bao giờ rơi vào tình trạng khốn đốn như hiện nay. "Mấy hôm nay tôi liên hệ hết chỗ này chỗ kia để hỏi bán sữa nhưng chưa có kết quả. Vinamilk cũng chỉ hứa: "Để xem xét!", trong khi sữa chỉ để được 3 ngày, nếu không bán được, ngày 5/10, tôi phải tìm chỗ đổ gần 5 tấn sữa này", anh Thực chỉ vào những thùng bảo ôn lạnh toát.
19h ngày 3/10, nhiều người dân đem sữa tới tập kết tại nhà anh Thực. Ảnh: TD. |
Cũng kể khổ nhưng ví dụ "thực tế" của một phụ nữ trẻ đã khiến những người nông dân đang u sầu cũng phải ôm bụng cười: "Từ bé tới giờ, hôm qua lần đầu tiên em được tắm sữa bò nên cũng thấy thích. Nhưng đến tối, khi đi ngủ, chồng cứ chê hôi, thế là phải dậy tắm lại. Đúng là cạch đến già".
Với người dân Phù Đổng, những năm qua, bò sữa đã giúp đời sống của họ khấm khá hơn nhưng với cú sốc này, càng nuôi nhiều càng lỗ nặng. Để một con bò cho 30 kg sữa, mỗi ngày phải cho ăn 12-15 kg ngô, cám nên nếu không bán được sữa, nuôi một con bò thiệt hại 240.000 đồng. Nhiều hộ dân ở đây nuôi 3 con bò.
Nghề chính là buôn gạo nhưng mấy ngày không bán được sữa cũng khiến chị Nguyễn Thị Hoài ở xóm 4 thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng rầu lòng. Với một con bò, mỗi tháng nhà chị cũng có thêm chừng 2 triệu đồng cho con học hành. Nhưng nay, sữa không bán được phải chất đầy trong tủ lạnh mà vẫn phải cho ăn. "Hôm qua, đem bán cho đại lý không được, nhiều người bức xúc đổ luôn sữa ra đường", chị Hoài nói.
Trong "cơn bão melamine", những giọt sữa bò còn thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của những người nông dân. Ảnh: T.D.
Không chỉ người dân ở Phù Đổng phải hứng chịu hậu quả của cơn bão melamine mà hàng trăm hộ dân ở Hưng Yên, Vĩnh Phúc... cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Anh Phạm Văn Quân ở xã Bình Minh, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết, với 80 con bò, trung bình mỗi ngày gia đình bán cho Hanoi Milk 1 tấn sữa. Tuy nhiên, vài ngày nay, công ty chỉ nhập bằng nửa bình thường nên thiệt hại khá lớn.
"Hôm 2/10, tôi đã đổ mất gần 400 kg sữa vì công ty chỉ mua một nửa. Hôm nay, tôi vừa mang lên 1 tấn, nếu công ty không mua hết, lại phải tháo bỏ để đỡ tốn công chở về", anh Quân nói.
Cùng tâm trạng, bác Nguyễn Như Tám, xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cho hay, do là đại lý nên mỗi ngày bác bán cho Hanoi Milk 5 tấn sữa nhưng 3 hôm nay, công ty này chỉ nhập 50% khiến lượng sữa thừa trị giá chừng 60 triệu phải đổ đi.
"Nhà tôi vay 200 triệu đồng mua 30 con bò, ngày cho chừng 300 kg sữa. Nếu không bán được sữa trong vòng một tuần, chắc nông dân chúng tôi phá sản. Mong nhà nước có biện pháp nào đó giúp chúng tôi bớt khổ", lão nông chừng 60 tuổi nói, mắt rưng rưng.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, nhiều nông dân đang rất hoang mang trước thông tin một số doanh nghiệp sữa bị dính melamine, lo sợ đình đốn sản xuất từ đó không mua nguyên liệu.
Ông đề nghị, cơ quan chức năng sớm công bố rạch ròi nhãn hiệu sữa nào nhiễm melamine, nhãn hiệu nào không, nhằm tránh những thiệt hại không đáng có cho doanh nghiệp và hạn chế tác động tới nông dân nuôi bò sữa.
Theo ông Giao, sau khi có thông tin về sữa Trung Quốc nhiễm Melamine, Cục đã lấy một số mẫu sữa nguyên liệu ở miền Nam đi xét nghiệm, tạm thời chưa tìm thấy melamine trong nguyên liệu sữa Việt Nam.
Sau khi thông tin mẫu sữa Hanoi Milk "dính" melamine được phát đi, nhiều đại lý, cửa hàng, siêu thị gần như tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp này. Doanh số bán hàng của Hanoi Milk gần như bằng không.
Chiều 3/10, Hanoi Milk tổ chức cuộc gặp giữa nhà sản xuất, nhà nông và các phóng viên để nói rõ về 2 lô sữa nhập từ Trung Quốc và Mỹ có nhiễm melamine cũng như nguy cơ phá sản của doanh nghiệp sữa đứng thứ ba Việt Nam.
Nguồn nguyên liệu sữa trong nước mỗi năm đạt 250.000 tấn, chỉ đáp ứng 25% -27% nhu cầu dùng sữa của người dân. Sản lượng này chỉ đáp ứng một phần nhỏ năng lực sản xuất của các doanh nghiệp. Phần còn lại họ phải nhập khẩu từ nước ngoài, đa phần nhập bột về hoàn nguyên.
Tiến Dũng - Song Linh