Trung tâm Dự đoán Thời tiết Vũ trụ (SWPC) thuộc Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) đang theo dõi một loạt hoạt động bùng nổ từ Mặt Trời, bắt đầu vào ngày 1/11. Từ sau đó, Mặt Trời đã trải qua một số cơn phun trào cực quang (CME). CME gồm những đám mây plasma và từ trường bắn ra từ bề mặt mặt trời. Hoạt động này có thể đến từ bất kỳ khu vực nào trên Mặt Trời. Những CME hiện nay hướng thẳng về phía Trái Đất, lấn át cơn bão đổ bộ Trái Đất đúng dịp Halloween.
SWPC cảnh báo cơn bão địa từ mới có thể tác động tới đời sống hàng ngày của con người, bao gồm biến động điện áp mạng lưới điện, kích hoạt báo động giả ở một số thiết bị bảo vệ và định vị vệ tinh bị gián đoạn.
NOAA vận hành một loạt vệ tinh có thể phát hiện CME. CME gây ra những tác động tiềm ẩn hiện nay di chuyển qua tàu vũ trụ Đài quan sát Khí hậu Không gian sâu (DSCOVR) cuối ngày 3/11, sau đó tới vệ tinh GOES-16 khoảng 15 phút sau. DSCOVR ở cách Trái Đất 1,5 triệu km theo hướng Mặt Trời. GOES-16 nằm trên quỹ đạo địa tĩnh ở 35.800 km phía trên xích đạo, chuyên theo dõi bờ Đông nước Mỹ.
Ngoài tác động tiềm ẩn dễ thấy đối với đời sống thường ngày, NOAA cho biết hiện tượng cũng có thể ảnh hưởng tới tàu vũ trụ như tích điện bề mặt và vấn đề định hướng. Cơn bão có thể làm rối tín hiệu vô tuyến tần số cao ở vĩ độ lớn, ảnh hưởng tới chuyến bay đường dài. Tuy nhiên, bão địa từ cũng tạo ra cực quang rất đẹp mắt, kéo dài từ đêm ngày 3/11 tới ngày 4/11, có thể quan sát ở bang Pennsylvania, Iowa, Oregon và nhiều bang khác ở phương bắc.
Cực quang có thể tiếp tục xuất hiện với những cơn bão từ nhỏ (G1) tới lớn (G3), theo dự báo bão địa từ của SWPC. CME và các hoạt động khác của Mặt Trời có thể ảnh hưởng tới điều kiện trong hệ Mặt Trời, gọi chung là thời tiết vũ trụ. Thời tiết vũ trụ gắn liền với chu kỳ 11 năm của Mặt Trời. Hiện nay, Mặt Trời đang ở đầu chu kỳ, dự kiến đạt đỉnh vào năm 2025.
An Khang (Theo Space)