Trong báo cáo công bố ngày 19/3, tổ chức Dự án Địa điểm Xung đột Vũ trang và Dữ liệu Sự kiện (ACLED) cho biết năm 2020 tại Ấn Độ liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực đám đông, đa phần nhắm vào người Hồi giáo và các nhân viên y tế tham gia chống Covid-19.
Báo cáo của ACLED xếp Ấn Độ vào danh sách 5 quốc gia xảy ra bạo lực đám đông tồi tệ nhất toàn cầu. ACLED là một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ chuyên thu thập, phân tích dữ liệu xung đột và lập bản đồ khủng hoảng.
"Những kẻ bạo loạn ở Ấn Độ tham gia bạo lực đám đông chịu trách nhiệm cho hầu hết hành vi hành hung dân thường", báo cáo của ACLED cho biết và ghi nhận 745 vụ bạo lực đám đông ở Ấn Độ khiến 161 người chết trong năm 2020.
Báo cáo của ACLED cho biết các nhân viên y tế và cộng đồng Hồi giáo thiểu số Ấn Độ "thường xuyên trở thành mục tiêu" của bạo lực đám đông vì các tin đồn thất thiệt hoặc thuyết âm mưu liên quan tới Covid-19, bao gồm việc nhân viên y tế bị nghi làm lây lan nCoV.
Các hành vi bạo lực đám đông nhằm vào dân thường tại Ấn Độ bắt đầu từ cuối tháng 3 và kéo dài cho tới tháng 6/2020, bất chấp quốc gia Nam Á ban hành lệnh hạn chế và phong tỏa nhằm ngăn nCoV lây lan.
Ngoài Ấn Độ, Mexico, Brazil, Syria và Yemen cũng bị ACLED xếp vào danh sách 5 quốc gia tồi tệ nhất toàn cầu về tình trạng bạo lực đám đông.
ACLED đánh giá hoạt động biểu tình trên khắp thế giới năm ngoái tăng 7% so với năm 2019, dù ban đầu giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. "Mỹ ghi nhận nhiều cuộc biểu tình nhất trong năm 2020, gần bằng tổng số các cuộc biểu tình của hai quốc gia đứng sau là Ấn Độ và Pakistan".
Ngọc Ánh (Theo Sputnik)