Nội dung được nêu tại buổi góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi do Đoàn đại biểu quốc hội TP HCM tổ chức, chiều 16/10.
Tại tờ trình tiếp thu, giải trình ý kiến dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi giữa tháng 9, Chính phủ đã bổ sung quy định giao cơ quan Bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện chủ sử dụng lao động chậm, trốn đóng bảo hiểm sau khi đã xử lý hành chính mà vẫn vi phạm.
Thực tế đề xuất này không mới, trước đây cơ quan Bảo hiểm xã hội từng khởi kiện doanh nghiệp để đòi nợ. Vụ kiện đầu tiên xuất phát tại TP Cần Thơ, nhưng địa phương thực hiện nhiều nhất là TP HCM với hàng trăm vụ theo thủ tục kiện dân sự. Từ khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực năm 2016, chức năng này giao cho tổ chức công đoàn.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn (Liên đoàn lao động TP HCM), cho rằng thời gian qua, dù công đoàn được trao quyền khởi kiện nhưng không thực hiện được do chồng chéo giữa các luật. Đặc biệt, tổ chức này muốn kiện phải được người lao động ủy quyền. Các vụ kiện phải thực hiện theo thủ tục tố tụng lao động, phức tạp hơn kiện dân sự. "Chính phủ bổ sung quy định cơ quan bảo hiểm kiện doanh nghiệp để nợ là hợp lý", ông Triều nói.
Đồng quan điểm PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia HCM), cho rằng cần ghi nhận quyền khởi kiện đòi tiền BHXH do nghiệp trốn đóng, để nợ cho cơ quan bảo hiểm.
"Việc ghi nhận này sẽ giúp bảo vệ tốt hơn cho người lao động", bà Diệp nói, phân tích thêm khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 trao quyền khởi kiện cho công đoàn với kỳ vọng sẽ bảo vệ lao động tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế số nợ ngày càng lớn mà các vụ kiện không thể thực hiện được.
Số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hết năm 2022, cả nước có hơn 30.000 doanh nghiệp nợ bảo hiểm thuộc diện đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn nên khó thu hồi. Tổng số tiền còn nợ hơn 4.000 tỷ đồng của trên 213.300 lao động. Số tiền doanh nghiệp nợ trên ba tháng là gần 8.900 tỷ đồng.
Theo bà Diệp, hàng tháng doanh nghiệp đều trừ lương của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm. Như vậy, doanh nghiệp đang nợ quỹ bảo hiểm xã hội chứ không phải nợ người lao động. Nếu trao quyền khởi kiện cho công đoàn, tức thừa nhận doanh nghiệp nợ người lao động. Lúc này, cơ quan Bảo hiểm xã hội từ chối chi trả quyền lợi của người tham gia là không hợp lý.
Trong khi đó, cơ quan bảo hiểm lại đề xuất bỏ quy định này. Ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, cho rằng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm là vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện do nhà nước yêu cầu. Ngoài việc bị xử phạt hành chính, nếu phát hiện có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải xử lý hình sự.
Xét trong mối quan hệ giữa lao động và doanh nghiệp thì việc chủ doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là quan hệ dân sự. Do đó, nếu khởi kiện thì chủ thể thực hiện phải là người lao động hoặc tổ chức công đoàn là phù hợp.
Ông Hiệp cũng cho rằng khởi kiện dân sự hoàn toàn độc lập với xử lý hành chính, hình sự. Việc dự thảo đang quy định theo hướng khởi kiện vụ án dân sự sau khi cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính là không phù hợp.
Bên cạnh đó, hiện cơ quan Bảo hiểm xã hội được giao chức năng thanh tra chuyên ngành để xử lý doanh nghiệp nợ BHXH. Ông Hiệp cho rằng đây là biện pháp mạnh hơn khởi kiện nên cơ quan bảo hiểm sẽ chọn thực hiện chức năng này.
Ngoài khởi kiện, dự thảo lần này cũng đề xuất nhiều chế tài xử lý chủ sử dụng lao động chậm, trốn đóng BHXH. Cụ thể cơ quan có quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với chủ doanh nghiệp chậm, trốn đóng từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt hành chính mà vẫn chây ì không đóng hoặc đóng không đủ tiền. Với đơn vị nợ BHXH từ 12 tháng trở lên, người đại diện pháp luật, người được ủy quyền sẽ bị hoãn xuất cảnh.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2025.
Lê Tuyết