Quy chế mới do Bộ Tài chính soạn thảo không phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, song lại giới hạn tỷ lệ góp vốn của một nhà đầu tư cá nhân là 10%, nhà đầu tư tổ chức tối đa là 20%.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho rằng quy định tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư tổ chức tối đa là 20% nhằm đảm bảo công ty cổ phần bảo hiểm mới thành lập hoạt động theo mô hình công ty đa sở hữu không bị chi phối quá nhiều bởi một cổ đông lớn nào, tạo ra sự phát triển bền vững trong dài hạn
Tuy nhiên, bà Allanda McConnel, Giám đốc bộ phận Tư vấn doanh nghiệp Công ty Ernst & Young Việt Nam lại không ủng hộ việc nhà đầu tư tổ chức chỉ nắm giữ 20%, cho dù không phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Theo bà, hạn chế này sẽ không hấp dẫn các công ty bảo hiểm nước ngoài khi có ý định đầu tư vào các công ty bảo hiểm nội địa. Thực tế hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam vẫn còn yếu về mặt công nghệ, quản trị, chiến lược kinh doanh... Việc có mặt các nhà đầu tư chiến lược với tỷ lệ nắm giữ cao hơn sẽ giúp khắc phục những điểm yếu này. Theo bà, một tỷ lệ nắm giữ 49% giống như quy định đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khóan sẽ là phù hợp hơn.
Trước khi Bộ Tài chính soạn thảo quy chế thành lập công ty cổ phần bảo hiểm, tháng 3/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46 quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó yêu cầu vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ là 300 tỷ đồng (mức cũ là 70 tỷ đồng); doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là 600 tỷ đồng (mức cũ là 140 tỷ đồng) và 4 tỷ đồng với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Với thị trường hơn 80 triệu dân thì nhu cầu thành lập các doanh nghiệp bảo hiểm mới là rất lớn. Ngoài nhu cầu của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài thiết lập hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thì ngay trong nước, nhiều ngân hàng theo xu hướng phát triển thành các tập đoàn tài chính cũng muốn phát triển thêm hoạt động bảo hiểm bên cạnh hoạt động truyền thống. Việc ban hành các nghị định và quy chế mới liên quan tới lĩnh vực bảo hiểm ngày càng khắt khe làm cho số lượng các công ty bảo hiểm ra đời trong năm nay ít đi rất nhiều so với dự định. Từ đầu năm, mới có Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (ABIC) chính thức đi vào hoạt động (từ ngày 8/8) với giấy phép đã cấp từ năm 2006. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường bảo hiểm vẫn chưa vượt quá 40 công ty.
(Theo Đầu Tư Chứng Khoán)