Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 16h, tâm áp thấp cách bờ biển Quản Ngãi - Phú Yên 200 km, gió mạnh cấp 7, giật lên hai cấp.
Một ngày tới, áp thấp nhiệt đới đi hướng tây tây nam, tốc độ 10-15 km/h, vào đất liền Quảng Ngãi - Phú Yên rồi suy yếu thành vùng áp thấp. Đến 16h ngày 6/11, tâm áp thấp ở Tây Nguyên, sức gió dưới 40 km/h.
Các đài nước ngoài cũng nhận định bão Goni đã suy yếu. Đài Hải quân Mỹ dự báo tâm áp thấp sẽ vào bờ biển Quảng Ngãi - Phú Yên lúc 7h sáng mai với sức gió 56 km/h, sau đó lên Tây Nguyên với sức gió 46 km/h. Theo trang Tropical Storm Risk (Đại học College London, Anh), 13h hôm nay bão còn mạnh 65 km/h nhưng đến 1h sáng mai chỉ còn 56 km/h.
Ảnh hưởng của áp thấp, vùng biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận gió mạnh cấp 7, giật lên hai cấp; sóng biển cao 2-4 m. Đêm nay, đất liền ven biển Nam Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Bắc Phú Yên có gió mạnh cấp 6.
Từ nay đến đêm mai, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa 150-250 mm, có nơi trên 250 mm; Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Bắc Đăk Lăk và Phú Yên có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50-100 mm.
Goni là cơn bão thứ mười trên biển Đông trong năm nay. Trước đó trong tháng 10, miền Trung hứng chịu bốn cơn bão và một áp thấp nhiệt đới, nhiều bằng tháng 10/1993, tháng được ghi nhận nhiều bão và áp thấp nhiệt đới nhất theo quan trắc của cơ quan khí tượng Việt Nam. Ba đợt lũ cùng 13 vụ lở núi ở miền Trung trong tháng qua làm 159 người chết, 71 người khác đang mất tích.
Goni hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở vùng biển phía Đông Philippines hôm 29/10, nhưng tăng thêm sức mạnh khi đi qua vùng nước ấm phía Tây Thái Bình Dương. Khi đổ bộ vào Philippines ngày 1/11, bão mạnh 225 km/h, làm 20 người chết, 20.000 nhà sập hoàn toàn, 55.000 nhà bị hư hại. Đây là cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm nay.