Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Thư - Chủ tịch Hội Loãng xương TP HCM cho biết, ước tính năm 2015 có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam bị loãng xương. 190.000 trường hợp gãy xương và 29.000 ca gãy xương hông. Tương đương cứ mỗi phút có một người bị loãng xương. Mỗi tiếng có gần 22 trường hợp gãy xương do loãng xương. Và mỗi ngày có đến 79 người gãy xương hông. Các chuyên gia dự báo, con số này sẽ gia tăng thêm 170-180% vào năm 2030. Tuy nhiên, do không được cảnh báo thường xuyên nên nhiều người vẫn chưa quan tâm và đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của bệnh loãng xương.
Khác với các trường hợp gãy xương thông thường, gãy xương do loãng xương thường khó hồi phục và dẫn đến nhiều biến chứng phức tạp, thậm chí tử vong. Gãy đốt sống có thể gây nên những cơn đau lưng kéo dài, giảm chiều cao, gù vẹo, biến dạng cơ thể, giảm chức năng tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, giảm chất lượng sống. Nguy hiểm nhất, gãy xương vùng hông (gãy cổ xương đùi) để lại hậu quả tương đương với biến chứng đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Với gãy xương vùng hông, thống kê cho thấy, 25% người bệnh tử vong trong vòng một năm đầu tiên sau gãy xương. 20% bệnh nhân cần người trợ giúp suốt cuộc đời còn lại. 30% người bệnh bị tàn phế, phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Chỉ có 25% có thể hội nhập trở lại với cuộc sống xã hội, nhưng nguy cơ tái gãy xương cao gấp 2,5 lần so với trước đây.
Loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ khoáng chất trong xương, khiến xương giảm sức chịu lực, trở nên giòn, xốp và dễ gãy. Nhiều người cho rằng loãng xương là bệnh của người già, song thực tế trong quá trình Phó giáo sư Lê Anh Thư thăm khám và điều trị bệnh xương khớp, không ít ca gãy xương do loãng xương xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn.
Nguyên nhân là sau 35 tuổi, mật độ xương bắt đầu giảm sút. Tốc độ hủy xương diễn ra nhanh hơn quá trình tạo xương, khiến xương mất dần các khoáng chất cần thiết. Ở phụ nữ, nguy cơ loãng xương còn cao hơn vì khi bước qua thời kỳ mãn kinh, tốc độ mất xương xảy ra nhanh, trung bình mất 2-4% khối lượng xương trong một năm và kéo dài suốt 5-10 năm đầu của thời kỳ này.
Đặc biệt đối với phụ nữ Việt Nam, loãng xương dễ xảy ra hơn bởi thói quen ít vận động, không chịu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ăn uống không hợp lý (kiêng khem quá mức), tầm vóc và khung xương nhỏ nên xương phát triển không tốt, khi bị giảm khối lượng xương sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe xương. Ngoài ra, nhu cầu của người lớn cần 1.000mg canxi mỗi ngày, nhưng chế độ dinh dưỡng truyền thống của người Việt thường không đáp ứng được, dẫn đến tăng khả năng bị loãng xương.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc do loãng xương gây ra, Phó giáo sư Lê Anh Thư khuyên phụ nữ cần nhận thức đúng về nguy cơ và hậu quả của loãng xương. Chủ động phòng bệnh loãng xương ngay từ tuổi 30 thông qua các bữa ăn hàng ngày với các thực phẩm giàu canxi và vitamin D. Uống các loại sữa giàu canxi mỗi ngày kết hợp cùng việc tập thể dục và kiểm tra mật độ xương định kỳ hàng năm... cũng là những thói quen tốt nên có.
An San