IS đang thu hút tín đồ từ các cộng đồng Hồi giáo tại khu vực Đông Nam Á. Ở nhiều nơi trên khắp Indonesia, những nhóm nhỏ người Hồi giáo tham gia chính trị đã "công khai cam kết lòng trung thành" với IS.
Một trong những người lên tiếng ủng hộ IS là Abu Bakar Bashir, người sáng lập nhóm khủng bố cực đoan Indonesia Jemaah Islamiyah (JI). Nhóm này từng là thủ phạm các vụ đánh bom chết người trong những năm 2000, trong đó có vụ đánh bom hộp đêm Bali năm 2002, Marriott năm 2003, Đại sứ quán Australia năm 2004, Bali lần hai năm 2005 và các khách sạn ở Jakarta năm 2009.
Sự thâm nhập của IS vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương không phải là điều bất ngờ, tuy nhiên, xu hướng này chưa được quan tâm đúng mức, và có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với khu vực.
Số liệu thống kê của khu vực mang đến nỗi lo sợ về sự trỗi dậy của các chiến binh Hồi giáo. Gần 62% dân số Hồi giáo trên thế giới sống tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Indonesia là quốc gia có số người theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, với 209 triệu người, tương đương 87,2% dân số.
Jakarta ước tính có khoảng 60 công dân nước này đang chiến đấu cho IS, nhưng con số thực tế có thể cao hơn. Một trong những mục tiêu có nguy cơ bị tấn công là ngôi chùa Borobudur ở Java, một điểm thu hút du lịch và là di tích Phật giáo lớn nhất thế giới. Một trang Facebook có liên quan đến IS vào tuần trước đã bày tỏ hy vọng rằng ngôi chùa "sẽ bị chiến binh Hồi giáo phá hủy", như Taliban từng tàn phá các tượng Phật Bamiyan ở Afghanistan vào tháng 3/2001.
Các chiến binh Hồi giáo dày dạn kinh nghiệm, từng chiến đấu ở Trung Đông, khi trở về nước sẽ tạo ra mối đe dọa an ninh lớn với hậu quả nghiêm trọng. Theo Sri Yunanto, một cố vấn của Cơ quan chống khủng bố Quốc gia Indonesia, những chiến binh này có thể "thắp lạị mối đe dọa khủng bố trong nước bằng cách thiết lập liên kết với các nhóm jihad được tài trợ, trang bị vũ trang và tổ chức tốt ở Trung Đông". Khi tổng thống đắc cử của Indonesia Joko Widodo chính thức nhậm chức, ông sẽ phải nhận thức rõ mối đe dọa an ninh và có hành động dứt khoát, bằng cách xác định chống khủng bố là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của mình.
Philippines cũng phải đối mặt với mối đe dọa giống như Indonesia. Khi Lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp của Mỹ tại Philippines rút khỏi nước này, Manila có thể gặp nguy hiểm trước nạn khủng bố. Nếu các thành viên của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), một nhánh của Al-Qaeda đóng tại Philippine, đến Syria hay Iraq để chiến đấu và trở về nước, MILF có thể sẽ trỗi dậy. Mặc dù một thỏa thuận giữa chính phủ Philippines và MILF vào tháng 3/2014 đã kết thúc 45 năm xung đột giữa hai bên, tình hình hòa bình rất mong manh ở nước này. Những đội quân MILF và các nhóm chiến binh Hồi giáo vẫn là mối đe dọa thổi bùng lên những căng thẳng về tôn giáo và chia rẽ đất nước.
Điểm nóng khác trong khu vực là Malaysia. Cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ 19 chiến binh được IS truyền cảm hứng, lên kế hoạch tấn công các quán rượu, vũ trường và nhà máy bia trong và xung quanh Kuala Lumpur. Bốn nhóm khủng bố Hồi giáo Sunni mới nổi tại đây tuyên bố đòi chủ quyền trên nhiều lục địa Đông Nam Á. Cảnh sát đã truy bắt thêm 5 người đàn ông Malaysia chạy trốn sang Philippines, nơi họ được cho là lẩn trốn với phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf.
Tại Malaysia và các nơi khác ở Đông Nam Á, việc tuyển dụng cho IS đang diễn ra qua mạng xã hội, bao gồm Facebook. Một nhà phân tích đã lấy ví dụ về Lotfi Ariffin, một thành viên của đảng Hồi giáo PAS cứng rắn ở Malaysia. Với tầm ảnh hưởng lớn trên mạng khi có đến gàn 25.000 người theo dõi, Ariffin có thể tuyên truyền để những người dân theo đạo Hồi tham gia vào phong trào jihad.
"Thật đáng lo ngại, nếu họ muốn có một nơi trú ẩn an toàn để huấn luyện và hoạt động, họ có thể dễ dàng đến nhiều quốc gia ở châu Phi. Nhưng họ lại chọn Malaysia làm nơi hoạt động, trong khi nguy cơ bị theo dõi tại đây cao hơn nhiều", The Diplomat dẫn lời Shahriman Lockman, một nhà phân tích chính sách ngoại giao cao cấp của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Malaysia, nói.
Trước đó, các thành viên cấp cao của IS đã đăng tải một đoạn video, trong đó, Abu Muthanna al Yemen, một người xuất thân từ Anh, khoe khoang rằng nhiều quốc gia đã cung cấp lính đánh thuê cho IS. "Chúng tôi có anh em từ Bangladesh, Iraq, Campuchia, Australia và Anh", người này nói.
Lãnh đạo Hồi giáo tại Campuchia bác bỏ tuyên bố này, mặc dù các nhà ngoại giao cho biết hàng trăm người ngoài Trung Đông, bao gồm cả người Khmer, đang chiến đấu cho IS.
Nguy cơ khủng bố không chỉ giới hạn ở Đông Nam Á mà đã lan đến Australia. Mối đe dọa IS là chủ đề chính trong Hội nghị tham vấn cấp bộ trưởng Mỹ - Australia (AUSMIN) gần đây. Những hình ảnh ghê rợn khi một bé trai, con của tên khủng bố người Australia Khaled Sharrouf, cầm chiếc đầu bị cắt rời của một người lính ở Syria, cho thấy sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố ra ngoài Trung Đông.
Trong những năm 1990 và 2000, ước tính có khoảng 30 người Australia đã đến Afghanistan và Pakistan để huấn luyện với Al-Qaeda. Các chiến binh khi về nước đều tham gia một số loại hình hoạt động khủng bố. Trong đó, gần một phần ba số này bị bắt giữ với tội danh có liên quan đến khủng bố.
Đông Á cũng không phải là ngoại lệ. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đang điều tra một đoạn video được đăng tải trên YouTube, cho thấy IS đã bắt giữ một công dân nước này. Theo một số học giả Trung Quốc, cuộc họp báo gần đây của nước này về Trung Đông là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang theo dõi sát sao Trung Đông, và nhận thức được tầm ảnh hưởng của nó đối với Trung Quốc, đặc biệt là tại khu vực Tân Cương.
Nỗ lực chống khủng bố
Các nước trong khu vực đã tiến hành một số biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono mới đây tuyên bố IS là "nỗi nhục" của người Hồi giáo. Ông ra lệnh cấm việc viện trợ cho nhóm và yêu cầu cảnh sát tăng cường nỗ lực chống tuyên truyền cực đoan trên mạng. Lãnh đạo Malaysia Najib Razak đã lên án IS "mượn danh Hồi giáo để thực hiện tội ác", trong khi chính phủ nước này tăng cường giám sát những người Malaysia xuất ngoại. Australia thắt chặt giám sát hải quan và ban hành luật tăng cường theo dõi tình báo các mạng xã hội. Nước này yêu cầu các nhà cung cấp viễn thông phải lưu giữ dữ liệu điện thoại và Internet trong vòng hai năm của các cá nhân để phát hiện đối tượng khủng bố.
Các nước cũng mở rộng con đường hợp tác để đương đầu với mối đe dọa. Indonesia và Australia hôm 28/8 kí kết thỏa thuận cho phép hai nước nước khôi phục và mở rộng chia sẻ thông tin tình báo. Thỏa thuận này đánh dấu sự hàn gắn trong quan hệ hai bên, vốn bị rạn nứt khi Edward Snowden, vào tháng 11/2013, tiết lộ Cục Tín hiệu Australia cố gắng nghe lén điện thoại Tổng thống Indonesia và các cố vấn hàng đầu của ông, trong đó có đệ nhất phu nhân, trong vòng 15 ngày vào tháng 8/2009.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong công tác chống khủng bố. ASEAN đã cam kết tăng cường hợp tác chính trị an ninh đến cuối năm 2015 với việc thiết lập Cộng đồng Chính trị An ninh ASEAN (APSC). Malaysia đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN vào năm 2015. Khi báo giới vẫn đưa tin rằng IS trực tiếp chiêu mộ thành viên tại Malaysia, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố trong khu vực sẽ trở thành động lực cho các nước ASEAN thực sự hành động.
Mỹ và Australia đã tài trợ và huấn luyện cho Biệt đội 88, lực lượng đặc biệt chống khủng bố của Indonesia. Biệt đội này đã đạt được nhiều thành công kể từ khi được thành lập vào năm 2003, tiêu biểu là việc tiêu diệt những kẻ cầm đầu của JI là Noordin Mohammad Top, Dulmatin, và chuyên gia chế tạo bom Azhari. Việc duy trì một mối quan hệ an ninh song phương tích cực giữa Mỹ và Indonesia là rất quan trọng trong công tác ngăn chặn khủng bố.
Khi đang thực hiện chính sách tái cân bằng tại châu Á, Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ ngoại giao, quốc phòng với các đồng minh và đối tác tại khu vực này. Với sự lan rộng của IS, chống khủng bố sẽ tiếp tục là chủ đề quan trọng trong các chính sách giữa Mỹ và châu Á.
Vũ Thảo (Theo National Interest/ Wall Street Journal)