Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC) cho biết thông tin trên tại Hội nghị Tổng kết Hành trình 30 năm phòng chống HIV/AIDS và cơ hội kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 tại TP HCM, ngày 14/1.
Theo ông Dũng, hàng năm thành phố phát hiện thêm khoảng 5.500 người nhiễm HIV. Nhóm người trẻ tuổi, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là nguồn lây nhiễm chủ yếu, chiếm 50 đến 60%. Đến 84% người nhiễm mới trong 6 tháng qua thuộc nhóm này. Nhóm này có tải lượng virus, tức lượng virus trong cơ thể, cao, hơn 1.000 virus trên một ml máu. Điều đó cho thấy tỷ trọng lây nhiễm HIV do MSM tăng đột biến. Cách đây 10 năm, tỷ lệ MSM nhiễm HIV chỉ 1,7% số ca nhiễm, ít hơn rất nhiều so với nhóm người tiêm chích ma túy, nữ mại dâm.
"Những đợt dịch cấp tính xuất phát từ nhóm MSM nguy cơ bùng phát", theo bác sĩ Dũng. Thách thức của cơ quan chức năng là tiếp cận với nhóm đối tượng này. Họ phần lớn là người có vị trí xã hội, yêu cầu bảo mật danh tính. Do đó, cơ quan chức năng cần phải có giải pháp quyết liệt, cụ thể và đặc thù hơn.
Trong số những người nhiễm mới, khoảng 30% người mang tải lượng virus cao. Họ cũng không biết mình bị nhiễm nên tiếp tục có hành vi lây HIV cho bạn tình, bạn chích, trở thành nguồn lây nhiễm HIV cấp (F0).
"Nếu không truy vết và cắt đứt được chuỗi lây truyền từ F0 sang những bạn tình của họ, mục tiêu kiểm soát đại dịch khó hoàn thành", bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong số bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV, khoảng 3 đến 5% bỏ điều trị. Họ cùng nhóm người dương tính với HIV chưa được phát hiện, chưa điều trị, mang tải lượng virus cao, cũng sẽ là những F0 đáng báo động.
Trao đổi với VnExpress, bác sĩ Nguyễn Lê Như Tùng, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết ông và đồng nghiệp khoa Nhiễm E đã thực hiện một khảo sát trên 428 bệnh nhân HIV điều trị nội trú tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới từ tháng 3 đến tháng 7/2020.
Kết quả khảo sát, gần 100 bệnh nhân HIV là nam, có quan hệ tình dục đồng giới không an toàn. 153 người hoàn toàn không biết mình dương tính với HIV mặc dù đã chuyển sang giai đoạn nặng AIDS. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng ca nhiễm mới.
Thực tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, từ năm 2017 đến nay, số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú tăng chứ không giảm. Năm 2017 và 2018 trung bình tăng thêm 110 ca mỗi năm. Năm 2019 tăng ít hơn, 27 trường hợp.
"Công tác khám sàng lọc người nhiễm HIV trong cộng đồng dường như chưa đạt được mục tiêu", bác sĩ Tùng nói.
Để thực hiện mục tiêu lớn là chấm dứt đại dịch HIV/AIDS tại TP HCM vào năm 2030, các chuyên gia khuyến cáo phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Chìa khóa quan trọng nhất là dự phòng lây nhiễm và điều trị ARV. Đặc biệt, tập trung mở rộng dự phòng cho nhóm nguy cơ lây nhiễm chính - MSM bằng thuốc PrEP.
Từ năm 2017, thành phố đã thực hiện thí điểm điều trị dự phòng bằng PrEP tại các trung tâm y tế quận huyện cho nhóm MSM. Ba năm sau, thành phố quản lý 30 cơ sở y tế thực hiện tư vấn, chuyển điều trị dự phòng cho 7.800 người nguy cơ cao, chủ yếu là MSM, người chuyển giới có bạn tình nhiễm HIV.
Cơ quan chức năng và mạng lưới tổ chức cộng đồng cần chủ động tiếp cận, tăng cường xét nghiệm phát hiện ca nhiễm mới. Khi một người phát hiện dương tính, họ phải được tư vấn và hỗ trợ điều trị ARV ngay trong ngày, duy trì điều trị bền vững, tránh lây truyền cho người khác. Thành phố đồng thời tổ chức truy vết nhanh chóng, chính xác bạn tình, bạn chích của người nhiễm, cắt đứt các chuỗi lây nhiễm. Thành phố cần liên kết vùng với các tỉnh thành lân cận, phối hợp chấm dứt đại dịch HIV.
Thư Anh