Ông Nguyễn Thanh Long cho biết như trên khi đọc tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, tại Quốc hội sáng 23/10.
Theo ông, sau khi luật năm 2006 được ban hành, hệ thống chính sách, pháp luật, hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS đã được xây dựng đầy đủ. Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến được kiện toàn. Các hoạt động phòng, chống được triển khai rộng rãi, đồng bộ và có hiệu quả cao.
Trung bình hàng năm, Việt Nam xét nghiệm HIV cho hơn 700.000 lượt người có nguy cơ cao, phát hiện 8.000 đến 10.000 người nhiễm. Hiện cả nước đang điều trị thường xuyên cho 150.000 người nhiễm HIV/AIDS bằng thuốc ARV.
"12 năm qua, tình hình HIV/AIDS liên tục thuyên giảm, tỉ lệ nhiễm trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%. Theo ước tính của UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS), Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS", ông Long nói và cho biết, Việt Nam thuộc 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, ông Long cho rằng, các quy định về người được thông báo, tiếp cận thông tin người nhiễm HIV còn thiếu, chưa tạo cơ sở đầy đủ cho việc giám sát và hỗ trợ điều trị, chưa thống nhất với các luật khác.
Vì vậy, dự luật mới đề xuất người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông báo kết quả xét nghiệm dương tính cho vợ, chồng, người có quan hệ tình dục, người chuẩn bị kết hôn.
Kết quả xét nghiệm HIV dương tính sẽ được thông báo cho vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn của người được xét nghiệm; cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được xét nghiệm là người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người chăm sóc trực tiếp, điều trị tại cơ sở y tế... Luật bổ sung thêm người được thông báo kết quả xét nghiệm là đứng đầu hoặc giao nhiệm vụ giám sát dịch HIV/AIDS thuộc cơ quan nhà nước về phòng chống bệnh này.
Dự luật cũng đề nghị không duy trì quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV do đã được các chính sách khác đảm bảo.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc bổ sung một số chủ thể được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước trong việc phòng chống, phù hợp với tình hình thực tế và lợi ích của người nhiễm.
Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội lưu ý, chính sách này có liên quan, ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin của cá nhân người nhiễm. Vì vậy, việc điều chỉnh chính sách này cần hài hòa giữa đảm bảo quản lý nhà nước nhưng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bệnh, phù hợp với khuyến nghị quốc tế.
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS vào ngày 16/11.