Hôm 11/5, chiến hạm Mỹ USS Fort Worth, tàu chiến cận bờ lớp Freedom, tiến vào gần các bãi đá Trung Quốc đang cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa. Đây là hoạt động tuần tra của tàu trong 7 ngày tại vùng biển quốc tế, từ căn cứ tàu đóng ở Singapore. Tuy nhiên, tàu Mỹ bị tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc Yancheng Type 054A bám đuôi cho đến khi rời khỏi khu vực.
Quan chức hải quân Mỹ cho biết, hoạt động thường kỳ như tàu Fort Worth vừa hoàn thành ở Biển Đông sẽ là một thông lệ mới, khi 4 chiếc tàu chiến cận bờ của Mỹ đến khu vực trong những năm tới. Một quan chức Mỹ giấu tên tuần này cho biết quân đội đang cân nhắc đề xuất điều máy bay và tàu hải quân đến trong phạm vi khoảng 12 hải lý quanh những bãi đá ngầm Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa.
Trước những động thái cứng rắn của Mỹ, hôm nay, một loạt trang báo lớn của Trung Quốc lên tiếng chỉ trích Mỹ, cho rằng nước này đang khiêu khích Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Tân Hoa Xã đăng bài viết cho rằng Mỹ là "chuyên gia khuấy động" Biển Đông.
"Đầu tiên, Mỹ gây mất đoàn kết giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bằng cách kích động ASEAN đồng thanh phản đối Trung Quốc, nâng tranh chấp khu vực lên tầm quốc tế. Thứ hai, Mỹ kêu gọi Nhật Bản và những nước khác can thiệp vào, làm rối loạn thêm tình hình ở đây. Cuối cùng, Mỹ trực tiếp can dự, chuyển thành vấn đề trực diện giữa Mỹ và Trung Quốc", hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc viết.
China, cổng thông tin của chính phủ, nhận xét rằng chiến thuật của Trung Quốc, chia rẽ giữa Việt Nam và Philippines, đang ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Hôm 12/5, một quan chức Mỹ cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đề nghị điều phi cơ và tàu quân sự của Washington tới khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh đang tiến hành cải tạo. Các bãi đá này thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm.
Bình luận về đề xuất này, trang Sina cho rằng "Mỹ sẽ duy trì lực lượng mạnh nhất đối đầu trực diện với Trung Quốc" ở Biển Đông.
Báo Hoàn Cầu cảnh báo "quân đội Mỹ nếu cứ muốn bay qua các bãi đá, đặc biệt là qua vùng 12 hải lý, thì quân đội Trung Quốc sẽ chứng minh là Mỹ đã chọn nhầm địa điểm và đối thủ."
"Nếu Washington nhận định quân đội Mỹ có thể thích gì làm nấy trên các đảo (ở Trường Sa) mà chính phủ cũng như quân đội Trung Quốc vẫn nín nhịn, thì quả thật quá ngây thơ". Báo này đề cập cái mà họ cho là lợi thế của Trung Quốc so với Mỹ, đó là có đất liền ở gần Biển Đông hơn, nên "không phải là nơi Mỹ tự tung tự tác".
Hoàn Cầu phỏng vấn Hứa Lợi Bình, chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Hứa cảnh báo rằng nếu tàu Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý gần các bãi đá ngầm là "đụng chạm đến giới hạn cuối cùng của Trung Quốc". "Một khi xảy ra thương vong, Mỹ sẽ phải gánh chịu trách nhiệm", Hứa nói.
Phụ bản của báo đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra gợi ý "để đối phó với Mỹ, Trung Quốc cần xây dựng sẵn hai phương án vừa hợp tác vừa phòng thủ với Mỹ. Nếu như quân đội Mỹ tiếp tục khiêu khích Trung Quốc, quân đội nước này sẽ phải ra tay đối phó".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với khoảng 90% Biển Đông và đang thực thi tuyên bố bằng cách xây dựng trái phép một chuỗi đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và nhiều nước trong khu vực. Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố việc cải tạo là để phục vụ mục đích dân sự và "đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự" của Trung Quốc. Trung Quốc cũng cho rằng "có quyền lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)" trên Biển Đông nếu muốn.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến thăm Bắc Kinh cuối tuần này dự kiến sẽ tỏ rõ quan điểm, để các lãnh đạo Trung Quốc "không còn hoài nghi" về cam kết đảm bảo tự do hàng hải và hàng không của Mỹ ở Biển Đông.
Hồng Hạnh