Theo MSA, trang web của Cục Hải sự Trung Quốc ngày 6/5 thông báo, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ hoạt động từ ngày 6-16/5 tại địa điểm có tọa độ 17°03′44″.5N/109°59′02″.7E. Trao đổi với VnExpress, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết Hải Dương 981 đang hoạt động ở ngoài vùng biển Việt Nam.
Mọi hoạt động của giàn khoan sẽ được phát sóng qua đài phát thanh tần số VHF16. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, Trung Quốc còn yêu cầu thuyền bè giữ khoảng cách trong bán kính 2 km kể từ vị trí giàn khoan tác nghiệp.
Tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong vòng hai tháng rưỡi, gây phản ứng dữ dội từ nhiều bên. Giàn khoan sau đó di chuyển về phía dự án Lăng Thủy, Hải Nam.
Đầu tháng 2, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) tuyên bố đã phát hiện một mỏ khí nước sâu tại dự án Lăng Thủy. CNOOC cho biết, sẽ xây dựng hệ thống dẫn khí nối Lăng Thủy với các mỏ khí khác trên Biển Đông, đáp ứng nhu cầu khí đốt của các tỉnh phía nam, Hong Kong và Macao.
Trước khi đến tác nghiệp ở Lăng Thủy, cuối tháng 4, giàn khoan Hải Dương 981 đã hoạt động tại vịnh Bengal, đông bắc Ấn Độ Dương. Theo trang web SASAC của Ủy ban giám sát quản lý tài nguyên Trung Quốc, đến nay, giàn khoan Hải Dương 981 đã khoan thăm dò 21 giếng sâu ngoài khơi Biển Đông, phát hiện 3 mỏ dầu khí nước sâu, chuẩn bị cho cho kế hoạch gia tăng sản xuất khí đốt nội địa của Trung Quốc.
Ngày 30/4 Trung Quốc đưa giàn khoan Hưng Vượng thuộc CNOOC rời cảng tại thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, lên đường đến Biển Đông. Tuy nhiên, hãng tin không nói rõ địa điểm tác nghiệp cụ thể của giàn khoan này. Hưng Vượng được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật hàng đầu của Trung Quốc, với khả năng tác nghiệp tại mức nước sâu nhất lên đến 1.500 mét và độ sâu của giếng khoan thăm dò đạt 7.600 mét.
Theo công ước về luật biển, tàu thuyền và phương tiện nước ngoài có quyền tự do đi lại trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển, nếu hoạt động đi lại đó không gây cản trở đối với quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển.
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới. Việc khai thác khí đốt trên Biển Đông nằm trong kế hoạch 5 năm của Bắc Kinh, nhằm gia tăng sản xuất nội địa, giảm phụ thuộc vào than, dầu và khí nhập khẩu.
Hồng Hạnh