Bán tôm ở Bắc Kinh, Trung Quốc. |
Những ngày này, người ta có thể dễ dàng nhận ra sự tất bật đáng ngạc nhiên trên thương trường. Cả nước Mỹ đang hối hả thúc đẩy ký kết hiệp định thương mại tự do với châu Phi, châu Đại Dương và Trung Mỹ, đồng thời tiến hành đàm phán với EU nhằm nỗ lực dỡ bỏ các hàng rào thương mại đang gây trở ngại cho nông dân nước nhà tham gia vào thị trường thế giới. Trong dòng công việc bận rộn đó, người ta cũng không quên trăn trở làm thế nào để bảo vệ thị trường nội địa một cách dễ dàng nhất, hiệu quả nhất. Trớ trêu thay, người ta quyết làm chuyện đó bất chấp các cam kết tự do hoá thương mại và thậm chí còn đánh đổi bằng một cái giá quá đắt đó là hy sinh lợi ích người tiêu dùng và của toàn bộ nền kinh tế.
Hôm 19/7, tạp chí Wall Street Journal cũng đăng bài xã luận chỉ trích mạnh mẽ các mức thuế nhập khẩu tôm mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cố tình áp đặt lên các nước. Tờ báo thừa nhận lý lẽ giá thành sản xuất tôm nuôi rẻ hơn tôm khai thác, và vì vậy chính quyền Mỹ đã vận dụng luật thương mại một cách phi lý để ủng hộ ngư dân tôm và bỏ qua lợi ích của người tiêu dùng Mỹ. Bài viết khẳng định chính sách thương mại của chính quyền Mỹ trong vụ kiện tôm phán ánh chủ nghĩa bảo hộ, đi ngược lại với những cam kết và hiệp định tự do thương mại mà Mỹ đang theo đuổi với các nước. |
Vụ kiện chống bán phá giá tôm với Trung Quốc và Việt Nam là một ví dụ điển hình cho sự đánh đổi không may mắn đó. Đầu tháng này, chính quyền Bush đã ra phán quyết khẳng định nông dân của 2 nước bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ và dự kiến áp thuế với biên độ cao tới 113%. Hiển nhiên là các mức thuế đưa ra quá ư bất công nhưng khốn nỗi Việt Nam và Trung Quốc lại chưa phải là nước có nền kinh tế thị trường. Và do vậy, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có toàn quyền xác định chi phí giá thành sản xuất tôm là bao nhiêu. Điều đó cũng có nghĩa là DOC dễ dàng khẳng định Việt Nam, Trung Quốc bán dưới giá thành.
Vụ kiện đã đem lại chiến thắng quá ư dễ dàng cho những người đi kiện, và chính quyền Bush cũng luôn sẵn lòng một cách thái quá nhằm bảo vệ những ngành công nghiệp đang ốm yếu, đặc biệt là những ngành có thể mang lại lợi thế chính trị. Đáng hổ thẹn hơn nữa là chính những người đi kiện lại được hưởng trọn lợi ích có được từ pháp đình, bởi có hẳn một bộ luật cho phép các công ty đi kiện được hưởng toàn bộ tiền thuế chống bán phá giá nếu thắng cuộc. Chính Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã khẳng định quy định đó là bất hợp pháp trong WTO, nhưng nó vẫn được áp dụng tại Mỹ.
Với người Việt Nam, vụ kiện tôm một lần nữa cho thấy sự đạo đức giả của Nhà Trắng. Washington từng vật nài Hà Nội mở cửa nền kinh tế và đi đến ký kết một hiệp định thương mại cho phép nông dân nước mình được tham gia thị trường toàn cầu. Nhưng dựa vào những gì đã xảy ra từ đó đến nay, người Việt Nam đã nhận thấy rằng Mỹ thực sự không muốn đi đến cùng của những cam kết mở cửa thị trường. Năm ngoái, chính Washington đã áp thuế bất công với sản phẩm xuất khẩu khác của Việt Nam, đó là cá tra và basa.
Còn với Trung Quốc, chuyện con tôm là hậu quả của những thương thuyết bất thành giữa Washington và Bắc Kinh về việc giảm thuế với các công ty bán dẫn. Giờ đây, vụ kiện tôm đã sa lầy vào vết xe đổ của những vụ kiện trước đó và nó có nguy cơ kéo theo nhiều đòn trả đũa sai lầm khác giữa 2 bên. Vụ kiện sẽ diễn biến theo chiều hướng tồi tệ hơn nữa, khi mà Washington quyết định áp thuế với tôm của 4 nước khác trong đó có Thái Lan và Brazil.
Nguyên nhân sâu xa của vụ kiện nằm ở chỗ, nông dân 6 nước hoàn toàn mang tôm ra thị trường với giá rẻ hơn nhiều so với những người câu tôm nước Mỹ. Tôm nhập khẩu hiện đang chiếm tới 90% thị trường Mỹ và việc bán hàng với giá phải chăng đó đã biến tôm từ một mặt hàng xa xỉ thành một món hải sản phổ biến toàn quốc. Thiết nghĩ, dòng chảy tự nhiên này của các quy luật kinh tế là điều mà đất nước này phải tuân theo.
Song Linh dịch