Mùa bão cát năm nay bắt đầu tấn công một số khu vực ở Trung Quốc từ tháng 3. Chỉ trong hai tuần đầu tiên của tháng 4, giới chức đã ghi nhận 4 trận bão cát càn quét khu vực này.
"Thậm chí phòng ngủ cũng có cảm giác bụi bặm khi tôi đi ngủ. Dân Bắc Kinh chúng tôi đã quen với bão cát vào mỗi mùa xuân, nhưng đợt này quá mạnh", người phụ nữ 31 tuổi giấu tên nói với BBC ngày 14/4. Cô mô tả người mình bám bụi "như chiến binh đất nung" chỉ sau thời gian ngắn rời nhà.
Giới chức Trung Quốc cho biết tần suất bão cát gia tăng trong khu vực kể từ những năm 1960, do tình trạng giảm lượng mưa, tăng nền nhiệt ở Gobi, một trong những sa mạc lớn nhất thế giới.
Trận bão gần nhất ngày 11/4 đã khiến nhà cửa, xe cộ ở Bắc Kinh phủ đầy bụi, đẩy nồng độ bụi mịn PM 10 ở thủ đô Trung Quốc lên mức cao gấp 46,2 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Thượng Hải cũng lâm vào cảnh tương tự, khi những tòa nhà chọc trời ở quận Phố Đông chìm trong màn bụi dày đặc những ngày qua.
Cảnh báo bão cát sau đó được ban bố tại 12 tỉnh Trung Quốc. Mạng xã hội nước này lan truyền video một phụ nữ phải quét 3 kg bụi bên trong căn hộ ở khu tự trị Nội Mông do quên đóng cửa sổ trong bão cát. Video đã nhận hơn ba triệu lượt xem trên Weibo.
Những trận bão cát từ sa mạc Gobi giáp Trung Quốc và Mông Cổ còn tấn công những khu vực xa hơn về phía đông như bán đảo Triều Tiên, thậm chí vươn tới Nhật Bản.
Giới chức Seoul đang ghi nhận nồng độ bụi mịn PM 10 cao gấp đôi so với ngưỡng "rất có hại cho sức khỏe" của chính phủ. Tình trạng bụi tại thành phố Ulsan phía đông nam thủ đô thậm chí còn tồi tệ hơn.
Trên đường phố Seoul, người bộ hành đeo khẩu trang, mặc áo khoác trùm đầu kín mít. Bà Han Junghee, 63 tuổi, phải tránh tập thể dục ngoài trời, do nhận thấy "bầu trời đục hơn vào ban ngày".
"Thời tiết khiến chúng tôi chán chường và muốn ở trong nhà", Erling Thompson, người Mỹ làm việc tại Seoul từ năm 2011, nói, hướng mặt về phía dãy cao ốc nhuốm màu bụi xám vàng từ văn phòng mình.
Eom Hyeojung, giáo viên 40 tuổi ở Seoul, Hàn Quốc, cho rằng "không có cách nào để có thể tránh bụi bão cát", nên tiếp tục đưa con gái đến trường bất chấp rủi ro sức khỏe do hít phải bụi mịn.
"Bão cát xảy ra hàng năm, quá thường xuyên. Thật đáng buồn, nhưng nó đã trở thành một phần trong cuộc sống ở thành phố này", cô nói.
Đức Trung (Theo BBC)