Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, trong 6 giờ qua, bão đi được 160 km, giữ hướng tây. Đến 10h, sức gió mạnh nhất gần tâm bão là 118-133 km/h, cấp 12, giảm một cấp so với sớm nay. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 210 km; gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão.
Dự báo ngày và đêm nay, bão chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20-25 km và có xu hướng mạnh thêm do được tiếp năng lượng từ vùng biển ấm. Đến 10h ngày mai, tâm bão ở đông nam quần đảo Hoàng Sa, sức gió mạnh trở lại 134-149 km/h, cấp 13.
Bắc và giữa Biển Đông (gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) đang mưa bão, gió sẽ mạnh dần từ cấp 8 đến 14, giật cấp 16, sóng biển cao 9-11 m, biển động dữ dội. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới là từ vĩ tuyến 12,5 đến 20, phía đông kinh tuyến 110. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Hôm nay, các đài quốc tế nhận định giống nhau về hướng đi và khu vực đổ bộ của bão Noru là Đà Nẵng - Quảng Nam, tuy nhiên cường độ khác nhau. Đài Nhật Bản dự báo bão duy trì sức gió 144 km/h trong hôm nay, ngày mai khi vào gần bờ tăng lên 162 km/h. Đài Hong Kong cho rằng bão sẽ vào đất liền với sức gió mạnh nhất là 175 km/h.
Trước đó lúc 4h sáng nay, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết tâm bão nằm trên vùng biển phía tây đảo Luzon, Philippines, cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 810 km, sức gió mạnh nhất cấp 13, giật cấp 14.
Bão gây gió mạnh ở biển miền Trung từ trưa mai
Dự báo, trưa 27/9, ngoài khơi từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) sẽ có gió mạnh dần từ cấp 8 đến 11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 8-10 m, biển động dữ dội.
Từ tối 27/9, vùng biển ven bờ từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5 m, vùng gần tâm bão 6-8 m. Các tỉnh thành từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng cao 1-1,5 m gây ngập úng vùng trũng ven biển, cửa sông.
Từ gần sáng 28/9, ven biển từ Quảng Bình trở vào đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Ven biển khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định từ sáng sớm 28/9 có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15.
Các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9; giật cấp 12-13. Kon Tum, Gia Lai ngày 28/9 có gió mạnh dần từ cấp 6 đến cấp 9, giật cấp 11.
Mưa sau bão mở rộng đến đồng bằng Bắc Bộ
Hôm nay, đài khí tượng Việt Nam đã dự báo chi tiết về lượng mưa. Từ chiều 27/9 đến ngày 28/9, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum mưa 250-350 mm, có nơi trên 400 mm. Các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai mưa 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Từ 28 đến 30/9, mưa có xu hướng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và nam đồng bằng Bắc Bộ.
Bốn địa phương gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định dự báo chịu rủi ro thiên tai cấp độ 4 (cao nhất là cấp 5 - thảm họa). Năm tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai chịu rủi ro cấp 3.
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6h ngày 26/9, có 177 tàu cá với hơn 1.390 ngư dân đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão. Đông nhất là Quảng Ngãi 87 tàu, Bình Định 65, Quảng Nam 18 và Đà Nẵng 7.
Các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã rà soát phương án sơ tán hơn 860.000 dân. Trong đó, bốn tỉnh thành dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi sơ tán 368.000 dân. Hôm nay, các địa phương sẽ ra lệnh cấm biển, cấm đường, cho học sinh nghỉ học. Ban chỉ huy chống bão ở tiền phương được thành lập ở Đà Nẵng.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng nay, sau khi nghe nhiều địa phương báo cáo trời quang mây tạnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và người dân tuyệt đối không chủ quan, ứng phó bão theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy; lực lượng; phương tiện, vật tư; hậu cần tại chỗ) với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Các địa phương khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú; kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão...
Noru là cơn bão thứ tư vào Biển Đông trong năm nay. Từ lúc hình thành đến nay, các đài Hong Kong, Nhật Bản chưa nhận định Noru là siêu bão. Riêng đài Philippines cho rằng từ 5h đến 14h ngày 25/9, khi cách đảo Luzon khoảng 300-500 km về phía đông, Noru mạnh siêu bão (trên 184 km/h), vào đảo giảm cấp.
Các chuyên gia đánh giá, Noru có hình thái tương tự bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng - Quảng Nam với sức gió cấp 13, giật cấp 14, tháng 9/2006. Bão Xangsane đã làm 76 người đã chết và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 căn nhà hư hỏng, gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại.