Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp Ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ ngành Công Thương. Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp với các đơn vị hoàn thiện báo cáo trình Thường trực Ban Bí thư, Quốc hội về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém tại các dự án thua lỗ; trình Thủ tướng trước ngày 30/9.
Bộ Công Thương cũng được yêu cầu đôn đốc các dự án, doanh nghiệp hoàn thành cơ bản xử lý tồn tại, vướng mắc về hợp đồng EPC trong năm 2017. Trường hợp phức tạp, còn nhiều vướng mắc thì xem xét, cho gia hạn đến hết quý I/2018 doanh nghiệp phải rà soát, báo cáo và cam kết lộ trình xử lý.
Về kinh phí khởi động lại Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (PVTex) và nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất... do các cổ đông của các doanh nghiệp này xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật. Với tàu 104.000 DWT của Công ty tàu Dung Quất, PetroVietnam khẩn trương chỉ đạo thuê tư vấn xác định giá trị để làm cơ sở kiểm toán, quyết toán bàn giao tàu. Kiểm toán Nhà nước thực hiện thẩm định kết quả xác định giá trị của tổ chức tư vấn.

Tình hình xử lý 12 dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương sẽ được báo cáo Thường trực Ban bí thư, Quốc hội.
Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu tổng hợp, báo cáo Thủ tướng tình hình vay vốn của 12 dự án này tại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là báo cáo việc xử lý nợ thời gian qua. Cơ quan này cũng được giao nhiệm vụ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tái cơ cấu nợ đối với 12 dự án theo quy định và theo nguyên tắc cùng chia sẻ rủi ro trong đầu tư, kinh doanh.
Bộ Tài chính đề xuất việc xử lý, cơ cấu lại các khoản nợ vay của 12 dự án tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, báo cáo Thủ tướng trước 30/9.
Sau gần một năm 12 dự án ngành Công Thương được "điểm danh", một số đơn vị đã khẩn trương khắc phục thua lỗ, có chuyển biến trong sản xuất kinh doanh. Đơn cử, sau thời gian cơ cấu lại 4 nhà máy sản xuất đạm, phân bón của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã khởi động lại sản xuất, hoạt động được 70-80% công suất thiết kế. Hay như Nhà máy gang thép Việt Trung đã ghi nhận lãi 67 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm...
Hai dự án sản xuất thép của Tổng công ty Thép Việt Nam, sau khi Chính phủ chỉ đạo rút 1.000 tỷ đồng vốn góp, nhà thầu MCC đã trở lại đàm phán, giải quyết một số vướng mắc với chủ đầu tư.
Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án trì trệ, chuyển biến rất chậm như các dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), gồm: PVTex, nhà máy đóng tàu Dung Quất...
Anh Minh