Mai, 19 tuổi, ở Bình Thạnh, đã quen với việc lặng lẽ ngồi ở rìa những buổi tụ họp tại trường đại học. Dường như có một rào cản vô hình ngăn cách cô với bạn bè đồng trang lứa. Suốt tuổi thơ, Mai được cha mẹ "điều phối" cuộc sống một cách tỉ mỉ – từ việc chọn bạn chơi, quản lý các buổi gặp gỡ đến can thiệp mọi mâu thuẫn nhỏ trên sân chơi.
"Tôi chưa bao giờ thực sự tự mình giải quyết một cuộc cãi vã, luôn có người lớn xử lý", cô chia sẻ với chuyên gia tâm lý, khi đến trị liệu tại một phòng khám tại TP HCM, hôm 17/4.
Khi bước vào môi trường xã hội phức tạp hơn của trường trung học, Mai bối rối. Cô gặp khó khăn trong việc bắt chuyện và cảm thấy cô đơn mặc dù xung quanh là bạn bè cùng trang lứa. Cha mẹ Mai nhận thấy điều đó, lại tiếp tục can thiệp, liên lạc với giáo viên chủ nhiệm và cố gắng "sắp xếp" các mối quan hệ bạn bè cho con.
Bước vào đại học, những thiếu sót này càng trở nên rõ rệt. Mai gặp cản trở trong các dự án nhóm, không biết cách xây dựng hoặc đóng góp ý kiến. Việc hình thành các mối quan hệ sâu sắc dường như là một nhiệm vụ bất khả thi với cô gái trẻ.
"Cảm giác như người khác đều nhận được một cuốn cẩm nang về cách kết nối với mọi người, còn cuốn của tôi thì bị thất lạc ở đâu đó", Mai tâm sự. Tuổi thơ được bao bọc, lên kế hoạch tỉ mỉ đã vô tình dựng lên những rào cản vô hình, khiến Mai bị cô lập, thạc sĩ tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, nói khi phân tích về trường hợp này.

Nhiều cha mẹ có xu hướng chú ý thái quá đến các hoạt động, bài tập của trẻ ở trường với mong muốn giúp con tránh khỏi thất bại. Ảnh: Pexels
Tương tự, An, 20 tuổi lớn lên trong một gia đình giàu có tại TP HCM. Nữ sinh có mọi thứ mà các bạn đồng trang lứa mơ ước, từ học trường quốc tế danh tiếng, du lịch nước ngoài đến được phục vụ tận tình bởi người giúp việc. Nhưng sự hoàn hảo ấy ẩn chứa một cái giá mà cô gái trẻ không lường trước được. "Đi đâu, làm gì, tôi cũng bị kiểm soát", An kể.
Camera trong phòng, định vị trong điện thoại, bạn bè cũng phải là những người cha mẹ cô lựa chọn kỹ lưỡng. Cảm giác ngột ngạt theo cô suốt những năm trưởng thành, khiến nữ sinh không thể hình thành một cá tính độc lập. Khi bước vào giảng đường đại học, sự giám sát càng khiến An thêm mệt mỏi, bị cô lập, không thể tìm thấy ý nghĩa của chính mình. Cô rơi vào trầm cảm, phải điều trị tâm lý và thuốc suốt hai năm qua.
Những đứa trẻ Việt được bảo bọc quá mức dẫn đến bối rối trên đường đời không phải hiếm. Khảo sát của nghiên cứu sinh Đại học Harvard Đỗ Hồng Hoàng My thực hiện tại một trường chuyên ở TP HCM và học sinh ở một tỉnh cao nguyên năm 2021 cho thấy, học sinh thành phố được gia đình chu cấp đầy đủ, nhiều cơ hội, được định hướng sẵn nghề nghiệp lại dẫn tới ba kết quả: thụ động, không biết gì (bối rối) để lựa chọn về phát triển tương lai hoặc bất hòa với cha mẹ vì muốn tìm lối đi riêng.
Trong khi đó, học sinh Tây Nguyên lại vượt trội trong khả năng tự định hướng, tự đưa ra những quyết định. "Chính sự đầy đủ của lại là cái các bạn cần vượt qua. Vượt sướng là vượt qua cái bóng của bố mẹ", Hoàng My chia sẻ với VnExpress.
Theo các chuyên gia, chưa có thống kê nào khẳng định cha mẹ Việt bao bọc con nhiều hay ít, nhưng đây được coi là đặc điểm của cha mẹ châu Á, khác với cha mẹ ở các vùng khác trên thế giới. Đặc biệt, nhiều quan điểm cho rằng "Người Việt Nam có tuổi thơ dài nhất thế giới" vì cha mẹ quá bao bọc con. Không chỉ bao bọc khi con còn nhỏ, mà khi đã trưởng thành, cha mẹ vẫn can thiệp vào cuộc sống của con từ những chuyện lớn như cưới vợ gả chồng, xây nhà, mua đất đến rất nhiều việc cỏn con khác như đi chơi, ăn uống hàng ngày.
Theo thạc sĩ Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos, tình trạng cha mẹ bao bọc con cái một cách thái quá thường bắt nguồn từ nhiều yếu tố đan xen.
Trong đó, áp lực từ xã hội hiện đại như các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về những rủi ro, tai nạn và sự cố xảy ra trong cuộc sống, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ con khỏi mọi nguy cơ. Nhiều cha mẹ sợ rằng con sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu phải đối mặt với thất bại hoặc thử thách trong cuộc sống. Họ chọn cách loại bỏ những va vấp khỏi con đường của con, vô tình hạn chế cơ hội để trẻ học hỏi, phát triển khả năng tự lập và trưởng thành.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên cao cấp Đại học Y Dược TP HCM cho rằng thời nay các gia đình đều sinh ít con, người làm cha mẹ càng thêm nhiều gánh nặng. Do đó, hầu hết phụ huynh quyết định bao bọc con để bảo vệ trẻ trước những tiếp xúc, va chạm xã hội.
Bên cạnh đó, những trải nghiệm trong tuổi thơ của chính cha mẹ khó khăn từ khi còn nhỏ, dẫn đến nỗi lo âu bên trong bản thân quá lớn, họ không còn khả năng lắng nghe, đồng điệu với nhu cầu thực sự của chính mình và của trẻ. Từ đó, việc chăm sóc và giúp đỡ quá mức dần trở thành một hình thức tự trấn an hơn là hành động xuất phát từ sự thấu hiểu thực tế.
Thạc sĩ Thiện nhận định nhiều hành vi của cha mẹ tuy xuất phát từ tình thương và mong muốn bảo vệ con, nhưng lại vô tình tạo nên một môi trường sống quá an toàn và kiểm soát, khiến trẻ khó phát triển khả năng tự lập, đối mặt với thực tế. Đồng thời, việc cha mẹ luôn dọn dẹp hoặc sửa sai thay con, trẻ dễ hình thành thói quen ỷ lại và thiếu trách nhiệm.
Ngoài ra, khi cha mẹ luôn dọn đường, làm thay hoặc can thiệp quá nhanh, trẻ sống trong một "vùng an toàn giả tạo" - nơi mọi thứ được kiểm soát tuyệt đối. Điều này khiến trẻ không học được cách đứng lên sau sai lầm và dễ rơi vào khủng hoảng cảm xúc khi gặp thất bại dù nhỏ.
Một nghiên cứu từ Đại học Stanford (2015) cho thấy trẻ được cha mẹ can thiệp hoặc kiểm soát quá đà (helicopter parenting) thường có nguy cơ gặp các vấn đề về lo âu, trầm cảm và mất tự tin. Chúng cho rằng mình không thể đối mặt với các thách thức trong cuộc sống mà không có sự giúp đỡ từ cha mẹ.
Tương tự, khảo sát từ Đại học Tennessee (2016) phát hiện trẻ được bao bọc thái quá có xu hướng giảm kỹ năng giải quyết vấn đề và tương tác xã hội. Các em gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ lành mạnh và dễ cảm thấy cô lập xã hội.

Nhiều phụ huynh tự biến mình thành những "helicopter parents" vì sợ con có thể gặp nguy hiểm khi tham gia các hoạt động cùng bạn bè. Ảnh minh họa: Jeannie Phan
Để cân bằng giữa bảo vệ và để con tự trải nghiệm thất bại, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ thử thách bản thân trong môi trường an toàn, như tham gia vào các hoạt động ngoại khóa hoặc thử những công việc mới.
Phụ huynh có thể để trẻ trải qua những thất bại nhỏ và học cách giải quyết vấn đề, đồng thời ở bên để động viên, nhưng không làm thay con. Việc này giúp trẻ hiểu rằng thất bại là một phần tự nhiên trong quá trình học hỏi và trưởng thành.
"Phụ huynh cũng cần cho con không gian để trưởng thành, đối diện và chấp nhận nỗi lo, hiểu rõ hơn nhu cầu của con cái", thạc sĩ Thiện nhấn mạnh.
Mỹ Ý