Chỉ vài tháng trước, phần lớn khu vực Đông Nam Á đứng trước bờ vực bùng phát đại dịch lớn. Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc và leo thang vào thời điểm tồi tệ nhất, ngay trước thềm Tết Nguyên đán, khi khách du lịch Trung Quốc đổ về các khu nghỉ dưỡng, khách sạn ở Đông Nam Á để vui chơi.
Thái Lan được coi là quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương bởi lượng lớn khách du lịch đến từ Vũ Hán và cuối tháng 1, nước này ghi nhận số ca nhiễm cao thứ hai thế giới ngoài Trung Quốc. Khi những hình ảnh, video cho thấy sự hoảng loạn bao trùm các bệnh viện và người dân Vũ Hán, nhiều chuyên gia y tế tự hỏi những nước có hệ thống y tế kém hơn sẽ đối phó đại dịch như thế nào.
nCoV gây chết chóc và đẩy cuộc sống người dân tại nhiều nước châu Á vào tình cảnh khốn khổ, đặc biệt là Philippines, Indonesia và công nhân nhập cư trong ký túc xá ở Singapore, nơi chính quyền vẫn đang chật vật kiểm soát dịch. Nhưng một số quốc gia khác trong khu vực lại tránh được nỗi sợ tồi tệ nhất.
Thái Lan chỉ ghi nhận 58 ca tử vong, còn Malaysia báo cáo 120 ca. Đặc biệt là Việt Nam, nước được khen ngợi nhiều vì khống chế dịch thành công, không ghi nhận ca tử vong nào.
"Ý thức cộng đồng là chìa khóa dẫn tới thành công ở những quốc gia này", Dale Fisher, giáo sư Đại học Quốc gia Singapore, chủ tịch Mạng lưới Phản ứng và Cảnh báo Bùng phát Toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận định.
"Thông điệp rõ ràng cực kỳ cần thiết", ông nói. "Tại một đất nước lãnh đạo kém, người dân sẽ bối rối, không biết phải làm gì, phải tin ai, và sẽ tin vào những thông tin phi lý".
Các chuyên gia nhận xét bằng cách hành động nhanh chóng, xây dựng hệ thống phản ứng tại chỗ bài bản sau đại dịch SARS năm 2002, cơ quan y tế ở nhiều nước Đông Nam Á đã tránh được thảm kịch bùng phát lây nhiễm cộng đồng. Tại Campuchia, 2.900 nhân viên y tế đã được đào tạo và triển khai suốt tháng 1 và tháng 2.
"Họ thực hiện truy vết tiếp xúc quyết liệt", tiến sĩ Li Ailan, đại diện WHO tại Campuchia, nói.
Trong khi đó, ở Thái Lan, hơn một triệu tình nguyện viên y tế thôn bản cũng tham gia giám sát cộng đồng.
Tiến sĩ Fifa Rahman, chuyên gia của DNDi, tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu và phát triển các loại thuốc an toàn, hiệu quả, giá phải chăng cho Những bệnh nhiệt đới bị bỏ quên tại Malaysia, cho biết chính quyền đã họp bàn ứng phó Covid-19 ngay từ tháng 12.
Họ đặt mua từ sớm số lượng cần thiết bộ chẩn đoán, lên phương án sắp xếp lại bệnh viện trong trường hợp dịch lan rộng. Giống nhiều quốc gia trong khu vực, mọi ca Covid-19 dương tính ở Malaysia đều phải nhập viện, dù không có triệu chứng.
Những nước này không xét nghiệm hàng loạt quy mô lớn như Hàn Quốc, mà tập trung vào những cá nhân có nguy cơ cao hoặc xét nghiệm hàng loạt tại các tòa nhà hay khu phố nơi có ca dương tính.
Nhiều câu hỏi được đặt ra tại những nơi có tỷ lệ xét nghiệm thấp như phải chăng vẫn còn ca bệnh chưa phát hiện. Campuchia đã xét nghiệm cho 17.000 người, xác định 126 ca nhiễm, đa số liên quan tới du lịch nước ngoài. Có khả năng vẫn còn ca nhiễm chưa phát hiện, nhưng bệnh viện không bị quá tải như một số khu vực ở Indonesia. Campuchia cũng không ghi nhận ca tử vong vì Covid-19.
Cũng có sai lầm xuất hiện. Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen gây lo lắng khi đánh giá thấp virus trong giai đoạn đầu bùng phát. Ở Singapore, việc bỏ qua lao động nhập cư, những người sống trong ký túc xá chật chội, đã đẩy số ca Covdi-19 tăng hơn 40.000. Đợt bùng dịch lớn nhất ở Malaysia xuất hiện sau một sự kiện ở nhà thờ Hồi giáo gần Kuala Lumpur, khi chính quyền không ngăn chặn được một cuộc tụ họp tôn giáo lớn.
Nhìn chung, chuyên gia y tế là những người đã dẫn dắt cuộc phòng chống dịch ở Malaysia, chứ không phải chính trị gia, Rahman nhận định. Khi Bộ trưởng Y tế Malaysia phát biểu trên truyền hình, đề nghị người dân uống nước ấm để chữa bệnh, thì bác sĩ Noor Hisham, tổng giám đốc cơ quan y tế Malaysia, lập tức phản bác.
"Mâu thuẫn rất rõ ràng nhưng hữu ích", Rahman nhận xét. "Tại Anh, lãnh đạo chính trị và chuyên gia y tế phối hợp chặt chẽ. Tôi không rõ điều này có khiến phản ứng y tế toàn cầu tốt hơn không".
Tương tự, khi Thứ trưởng Y tế Malaysia Noor Azmi Ghazali bị chụp ảnh vi phạm quy định phong tỏa, ông đã bị phạt. Hành động này gửi thông điệp mạnh mẽ tới người dân, bà Rahman nói.
Malaysia áp đặt lệnh hạn chế di chuyển rất nghiêm. Chỉ một người trong mỗi gia đình được phép ra ngoài mua nhu yếu phẩm, người dân không được phép ra ngoài tập thể dục hàng ngày.
Nhiều thông tin được đưa ra như nhiệt độ hay độ ẩm làm chậm khả năng lây lan, nhưng các chuyên gia đều khẳng định không có bằng chứng chứng minh điều này. Những yếu tố khác được xét tới như dân số đa phần ở nông thôn giống Campuchia cũng có khả năng ảnh hưởng tới việc lây nhiễm, Li Ailan, đại diện WHo tại Campuchia, nói. Dân số trẻ tại một số quốc gia cũng có thể là yếu tố giúp đất nước ít bị tổn thương hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những yếu tố này không thể đảm bảo an toàn cho đất nước khi mở cửa lại. Ở Bangkok, nơi người dân tận hưởng quãng thời gian không khí trong lành ngắn ngủi nhờ lệnh phong tỏa, đường phố bắt đầu đông đúc trở lại. Chợ mở cửa, dù quầy và bàn ăn bị tấm nhựa ngăn cách, người ra vào phải đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt. Với những quốc gia đã dỡ lệnh cấm đi lại và đang tái xây dựng kinh tế, đội ngũ y tế không được phép tự mãn.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)