![]() |
Khách hàng sắp tới có thể rút tiền tại bất kỳ máy ATM nào trong cả nước. Ảnh: Anh Tuấn |
Trao đổi với VnExpress sáng nay, bà Phạm Thanh Nguyệt, Trưởng Ban trù bị, cho biết, tổng vốn điều lệ của BankNet sẽ là 100 tỷ đồng, tăng 50 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu. Trong đó 3 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công thương (ICB) mỗi đơn vị góp 15%. Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), Công ty Phát triển công nghệ Hà Nội (CFTD) và Ngân hàng cổ phần Á châu (ACB) mỗi đơn vị 10%. 3 ngân hàng cổ phần khác là Sacombank, Đông Á và Nam Á tham gia đóng góp số vốn còn lại.
Cũng trong cuộc họp sáng qua, Ban trù bị đã nhất trí bầu Phó tổng giám đốc BIDV Lê Đào Nguyên làm Chủ tịch hội đồng quản trị. Phó chủ tịch hội đồng quản trị sẽ do một đại diện của Ngân hàng Công thương đảm nhiệm. Bà Nguyệt, hiện là Giám đốc Trung tâm Thẻ của Agribank sẽ điều hành công ty trên cương vị tổng giám đốc. Ngoài bà Nguyệt, hội đồng quản trị BankNet còn 3 uỷ viên khác là đại diện của VDC, CFTD và ACB.
Theo điều lệ hoạt động, BankNet sẽ cung cấp các dịch vụ như chuyển mạch tài chính, bảo trì hệ thống ATM; sản xuất, gia công thẻ trắng; in thẻ thanh toán; phát hành thẻ Smart; cung cấp dịch vụ kết nối thẻ quốc tế. Ngoài ra, công ty sẽ cung ứng các phương tiện thanh toán, kinh doanh thiết bị và máy móc chuyên ngành ngân hàng...
Lợi ích lớn nhất của BankNet, theo ông Lê Đào Nguyên, chính là việc thiết lập một mạng lưới rộng các thẻ thanh toán được chấp nhận cũng như các điểm chấp nhận thẻ. Thông qua BankNet, các ngân hàng thành viên có thể khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên chung, góp phần tiết kiệm các chi phí lắp đặt thêm thiết bị. Các ngân hàng cũng có cơ hội huy động một lượng vốn đầu tư lớn và tiếp tục hoàn thiện nghiệp vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhờ những tiện ích mà công ty cung cấp. "BankNet ra đời thể hiện tinh thần hợp tác mới của các ngân hàng Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn hệ thống, đặc biệt là trong xu thế hội nhập hiện nay", ông Nguyên nhận định.
Với số vốn đóng góp ban đầu của các thành viên, BankNet sẽ phải tự hạch toán kinh doanh. Doanh thu của công ty chủ yếu dựa vào các nguồn thu như phí hoa hồng, phí xử lý thông tin và phí giao dịch thu của đơn vị phát hành thẻ và chủ thẻ (phí thường được tính cố định cho một giao dịch, khoảng 0,25 USD). Tuy nhiên, hiện các ngân hàng vẫn chưa thu phí giao dịch đối với khách hàng của mình. Vì vậy trong thời gian ngắn sau khi BankNet đi vào hoạt động, các ngân hàng phát hành thẻ sẽ phải chịu lỗ và tự trích từ ngân sách của mình để trang trải cho khoản phí nói trên.
Trước BankNet, 12 ngân hàng cổ phần phía Nam cùng Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và 2 công ty tin học cũng có kế hoạch thành lập một công ty thẻ riêng. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, trước mắt chỉ tập trung cho BankNet phát triển, dự định thành lập công ty thẻ thứ hai đã bị gác lại. Trong lúc này, một số nhóm các ngân hàng đang tiếp tục kết nối với nhau nhằm chia xẻ hạ tầng cơ sở của hệ thống ATM hiện có. "BankNet luôn sẵn sàng kết nối với các ngân hàng có nhu cầu tham gia để tiếp tục mở rộng mạng lưới thanh toán", ông Nguyên khẳng định.
Trên thực tế, trình độ công nghệ thông tin của các ngân hàng hiện còn cách xa nhau. Hệ thống mạng thanh toán của các đơn vị cũng chưa đồng bộ. Vì vậy, theo các chuyên gia, phải cần ít nhất hai năm nữa, hệ thống ATM của Việt Nam mới có thể hoàn thiện và quy về một mối.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước TP HCM, trong các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thì hình thức ủy nhiệm chi và chuyển tiền hiện được sử dụng nhiều nhất, chiếm đến 70% doanh số thanh toán trên địa bàn. Tiếp đó là thẻ và các phương tiện thanh toán khác, chiếm hơn 25%. Hình thức thanh toán bằng séc chỉ chiếm 0,51% tổng doanh số thanh toán. Xu hướng chung hiện nay là giảm dần tỷ lệ thanh toán thông qua ủy nhiệm chi - chuyển tiền và chuyển sang sử dụng hình thức ủy nhiệm thu, thẻ, séc. Phương thức thanh toán bằng thẻ đang được nhiều người tiêu dùng chấp nhận. |
Song Linh