Thị trường bánh trung thu hiện đang tách thành hai nhóm: nhóm của các đại gia và nhóm của các cơ sở nhỏ.
Kinh Đô công bố dự kiến sản xuất 700 tấn bánh; Công ty cổ phần bánh kẹo Biên Hoà lần đầu tiên sản xuất mặt hàng này, công bố luợng bánh sản xuất là 200 tấn; Vinabico - Kotobuki khoảng 100 tấn; Đồng Khánh, Văn Lệ - Đồng Khánh, Long Xương... từ 30 đến 100 tấn. Thị phần của các công ty lớn ngày càng mở rộng phạm vi không chỉ ở khu vực thành phố mà ra khắp cả nước. Năm ngoái Kinh Đô chỉ có 1.200 điểm bán thì nay đã tăng lên 2.900 điểm.
Ưu thế của các công ty lớn là tập trung cho việc đầu tư các dây chuyền, quy mô sản xuất hiện đại tạo lợi thế cạnh tranh trên sản lượng, giá cả, uy tín về an toàn thực phẩm. Bibica đầu tư 10 tỷ đồng cho các loại thiết bị, Vinabico - Kotobuki đầu tư gần 4,5 tỷ đồng. Với sản lượng bánh càng lớn thì giá thành sản xuất càng giảm, các công ty lớn càng có chi phí nhiều hơn cho chiết khấu, tiếp thị.
Ông Trần Lệ Nguyên, Giám đốc công ty Kinh Đô, phân tích, chính nhờ ưu thế này nên nhiều năm nay giá nhiều loại nguyên liệu tăng mà giá bánh vẫn không tăng. Trong bánh trung thu, giá nguyên liệu chỉ chiếm khoảng 20 - 30% giá thành, còn lại là chi phí của bao bì, nhân công, quảng cáo, chiết khấu. Cụ thể một chiếc bánh thập cẩm gà quay 2 trứng, giá trung bình khoảng 30.000đ/bánh 300g, trong đó tiền nguyên liệu (trứng, bột, hạt dưa, gà quay, mứt…) khoảng 10.400đ. Giá gia công bánh 700 - 800đ/cái 250g. Do vậy chi phí cho một chiếc bánh trung thu nặng nhất là ở các phần chiết khấu cho đại lý, quảng cáo, đồng phục nhân viên, thuế, tủ trưng bày bánh...
"Cá nhỏ" có chết?
Theo ông Cổ Kiến Quốc, cán bộ phòng kinh tế Q.5 (TP HCM), từ năm 1998 đến nay, dù cho thị trường bánh trung thu có nhiều biến động nhưng số cơ sở bánh trung thu đăng ký sản xuất tại đây vẫn dao động từ 29 - 30 cơ sở. Số lượng bánh đăng ký cũng không thay đổi từ nhiều năm. Nhiều cơ sở như Tân Hưng, Bá Khang, Viên Minh, Bổn Lạp Chay... dù không xuất hiện ầm ĩ trên thị trường các điểm bán nhưng vẫn cứ tồn tại hàng mấy chục năm nay.
Thị trường chính của những đơn vị bánh trung thu không phải là những điểm bán công khai tại các cửa hàng, các siêu thị... mà chính là các đơn đặt hàng với số lượng lớn từ các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh để làm quà biếu cho nhân viên, bạn hàng...
Kinh Đô có 60% thị trường là những đơn vị đặt cố định để làm quà biếu. Vinabico - Kotobuki có lượng khách ổn định chiếm hơn 70%. Bánh Thành Long gắn bó với tiểu thương; hệ thống khách sạn công ty du lịch thường có bánh của Givral, Ái Huê... Ông Lưu Lập Chánh, chủ nhãn hiệu bánh Hỷ Lâm Môn, cho biết: "Những khách hàng riêng tạo cho thương hiệu một khoảng sân riêng, cố định và an tâm hơn cho mỗi mùa sản xuất".
Ngoài ra cơ sở nhỏ lại có cách thức tiếp thị riêng mà nhiều cơ sở lớn không thực hiện được như Thành Long có đội quân xách giỏ tiếp thị tận các sạp chợ, làm bánh nhỏ cho khách thử, mở mạng lưới phân phối trực tiếp ra các khu vực Biên Hoà, Gò Công, Tây Ninh. Cơ sở Văn Lệ - Đồng Khánh mở dịch vụ mua một hộp cũng giao hàng tận nhà.
Một ưu thế cạnh tranh của các cơ sở nhỏ chính là tỷ lệ chiết khấu. Nếu như các đơn vị lớn chiết khấu từ 20- 35% thì ở các cơ sở nhỏ tỷ lệ này có khi lên tới 50%.
SGTT