Nằm trên đường Hàn Hải Nguyên, tiệm bánh Thiểm Tây của chị Thái Thụy Trân Trân thu hút thực khách bởi món ăn mới lạ cùng không gian đậm chất người Hoa. Quán có tông màu đỏ, gợi nhớ đến những tiệm ăn truyền thống tại Trung Quốc. Mỗi ngày, tiệm bán khoảng 300 chiếc bánh, đưa món ăn có tuổi đời hơn 2.000 năm đến gần hơn với người Sài Gòn.
![Chị Thái Thụy Trân Trân bên tiệm bánh Thiểm Tây của mình. Ảnh: Quỳnh Trần](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2025/02/11/233A4907-1739283472-7374-1739284541.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=olhyWSvmI-6sqcqh3JnCCA)
Chị Thái Thụy Trân Trân tại tiệm bánh Thiểm Tây ở quận 11. Ảnh: Quỳnh Trần
Bánh Thiểm Tây còn có tên là Roujiamo, nguồn gốc từ tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, được xem là một trong những món ăn đường phố lâu đời nhất nước này. Xuất hiện từ thời nhà Tần, bánh được ví như "hamburger Trung Hoa" do có kết cấu gồm vỏ bánh mì, nhân kẹp thịt, sốt. Bánh mì khối dẹt, hình tròn, được nướng giòn, kẹp bên trong là thịt hầm thấm đẫm gia vị đặc trưng. Năm 2016, Roujiamo được chính quyền Thiểm Tây công nhận là di sản văn hóa cấp tỉnh.
Chị Trân biết đến bánh Thiểm Tây trong chuyến du lịch nước ngoài cách đây 6 năm. Hương vị đậm đà, lớp vỏ bánh giòn cùng phần nhân thịt hầm mềm khiến chị ấn tượng mạnh. Nhận thấy món ăn có nét tương đồng với ẩm thực Việt Nam nên chị thử sức kinh doanh. "Người Việt chuộng thức ăn đường phố, cách ăn bánh Thiểm Tây cũng khá giống bánh mì nên tôi nghĩ đây sẽ là món có tiềm năng phát triển," chị nói.
Tiệm bánh đầu tiên mở vào năm 2019 trên đường Tôn Thất Hiệp (quận 11), ban đầu chỉ là một xe đẩy nhỏ. Nhờ hương vị mới lạ, quán nhanh chóng thu hút thực khách, có ngày bán gần 500 bánh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quán buộc phải đóng cửa sau một năm hoạt động. Đến năm 2024, chị mở lại tiệm với quy mô lớn hơn, phục vụ tại chỗ và bổ sung thêm một số món ăn khác.
![Bánh Thiểm Tây căn bản gồm nhân thị bò (trái) và heo, được quán biến tấu lại để vẫn giữ hương vị truyền thống và phù hợp với khẩu vị người Việt. Ảnh: Quỳnh Trần](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2025/02/11/233A4816-1739283585-5377-1739284541.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9LKI_2q6Yr2YSGNEDzSJ2Q)
Bánh Thiểm Tây căn bản gồm nhân thịt bò (trái) và heo, được quán biến tấu giữ hương vị truyền thống và phù hợp với khẩu vị người Việt. Ảnh: Quỳnh Trần
Thay vì làm từ bột mì như công thức gốc, vỏ bánh được làm từ lúa mạch. Theo chủ quán, lúa mạch giúp bánh thơm giòn hơn và ít bị gãy khi nướng. Bột được nhào kỹ, ủ đủ thời gian để đạt độ đàn hồi tốt, sau đó cán mỏng. Vỏ bánh trước khi nhồi nhân sẽ phết dầu và nướng ở 200 độ C trong 3 phút. Cách nướng này giúp bánh giòn bên ngoài nhưng vẫn giữ được độ mềm bên trong, khác với phương pháp chiên ngập dầu truyền thống.
Bánh Thiểm Tây có nhiều phiên bản nhân, từ thịt heo, bò đến thịt cừu. Để phù hợp với khẩu vị người Việt, tiệm phục vụ hai loại nhân chính là thịt heo và bò. Phần nhân làm từ chân giò heo và thăn bò giúp thịt khi hầm vẫn giữ nguyên thớ, không bị nát, có nạc, mỡ và da để tạo độ béo vừa phải.
Thịt ướp với quế, hồi, dầu hào, nước tương và nhiều loại gia vị khác, ninh 12 tiếng. Theo chủ quán, món ăn gốc có hơn 30 loại hương liệu, vị cay và nhiều dầu mỡ nhưng khi chế biến, tiệm đã giảm một nửa lượng để phù hợp với khẩu vị thực khách.
![](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2025/02/11/233A4691-1739284042-9793-1739284541.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gKxU9m4K2kUF09kmKLreLg)
Khi làm bánh, thịt được lấy một phần để băm nhỏ, trộn đều với nước sốt để giữ độ mọng. Nhân thịt heo sẽ có thêm rau tần ô (cải cúc), củ cải vàng và sa tế ớt, thay vì ớt xanh như bản gốc. Loại bánh nhân bò không có rau xanh, thay củ cải vàng bằng dưa chua, kết hợp cùng sa tế và bơ đậu phộng, tạo nên hương thơm và vị béo ngậy. "Ban đầu tôi cũng thử thêm dưa leo, rau thơm nhưng ăn không hợp, làm mất đi sự hài hòa vốn có của bánh," chị Trân Trân chia sẻ.
Cuối cùng, bánh được rưới thêm một lớp nước sốt đặc biệt do quán tự pha chế, tạo điểm nhấn cho món ăn. Tiệm cũng phục vụ thêm nhân gà, cá và cả cơm Thiểm Tây. Giá tại quán bán theo kích cỡ lớn và nhỏ, từ 37.000 đến 55.000 đồng một bánh. Trên thực đơn còn ghi chú lượng calo của từng loại bánh, giúp khách hàng dễ lựa chọn. "Chúng tôi luôn khuyến khích khách nên ăn trong vòng 20 phút đến một tiếng để bánh giữ được độ giòn và nhân vẫn còn ấm mềm," chị Trân nói.
Chiều 11/2, chị Trương Mỹ Ngọc, 37 tuổi ở quận 11, mua một chiếc bánh nhân bò và thưởng thức tại quán. Là khách quen hơn một năm nay, chị Ngọc cho biết tuần nào cũng ghé tiệm hai lần. "Bánh có nhân đầy đặn, nước sốt đậm đà nhưng không bị ngấy. Giá có thể hơi cao hơn các món ăn vặt khác nhưng với quy trình chế biến cầu kỳ, tôi thấy cũng đáng tiền," chị nhận xét.
Quán mở cửa từ 9h30 đến 21h30 mỗi ngày, vị trí nằm ở mặt tiền đường nên khá dễ tìm. Bên trong quán rộng rãi với hai tầng gồm trệt và lầu sức chứa 100 khách. Vì chủ yếu bán mang đi nên quán thường chỉ đông khách vào buổi trưa và tối.
Quỳnh Trần