Nguyên nhân dịch bệnh vào nước ta và lan rộng, theo các nhà chức trách, do xuất phát từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch; do du khách mang thực phẩm có mầm bệnh vào qua đường hàng không; do chim di cư. Trong khi việc kiểm soát chim di cư là bất khả, thì việc siết chặt đường chính ngạch tại các trạm hải quan biên giới và hàng không hoàn toàn có thể thực hiện.
Hẳn bạn còn nhớ, nhà chức trách Đài Loan đã yêu cầu kiểm tra hành lý tất cả du khách xuất cảnh từ Việt Nam khi nhập cảnh Đài Loan. Nếu bị phát hiện mang theo chế phẩm từ thịt lợn, khách sẽ bị phạt từ 6.500 USD tới 33.000 USD. Nguồn cơn câu chuyện từ việc nhân viên sân bay của họ phát hiện chiếc bánh mỳ của một hành khách từ TP HCM dương tính với dịch tả heo châu Phi.
Nếu từng bay tới Nhật Bản, bạn sẽ khó quên danh sách dài dằng dặc kèm hình ảnh các loại thực phẩm, sản phẩm liên quan đến động, thực vật bị cấm mang vào nước này với quy trình kiểm tra gay gắt ở sân bay. Hình phạt đối với việc vi phạm là một triệu Yen - tương đương hơn hai trăm triệu Đồng, phạt tù 3 năm, thậm chí cấm nhập cảnh vĩnh viễn. Với nước Úc, nguyên liệu thực vật và các sản phẩm từ động vật dù là một lượng nhỏ, đồ ăn nhẹ hay gia vị nấu ăn, nếu không kê khai hoặc kê khai sai, khách có thể bị bắt giam và chịu hình phạt lên tới khoảng 7 tỷ đồng. Danh sách các sản phẩm liên quan đến động, thực vật, bị cấm hay phải khai báo kiểm tra của Đức, Mỹ, một số quốc gia châu Âu thì còn dài nữa.
Các chính phủ ý thức cao độ rằng, một mẩu thịt, một quả táo hay thậm chí một chiếc ví bằng da động vật, một lọ kem dưỡng da được mang vào lãnh thổ của họ có thể gây lan truyền dịch bệnh, đe dọa bảo tồn thiên nhiên quốc gia, giết chết cả một ngành kinh tế, nguy hại cho con người. Như với Đài Loan, một chiếc bánh mỳ từ Việt Nam theo họ có thể gây hại cho ngành chăn nuôi 3,24 tỷ USD mỗi năm. Nếu nhân viên sân bay của họ không phát hiện ra chiếc bánh mỳ kia, hẳn nó sẽ là chiếc bánh mỳ có giá đắt nhất thế giới.
Hơn một năm trước, khi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Wellington, New Zealand, nhóm chúng tôi gặp rắc rối. Tại khu vực kiểm tra hành lý ký gửi, chúng tôi được yêu cầu điền vào phiếu khai về nội dung hành lý, gồm những hạng mục như thức ăn, động vật mang theo, các loại thực vật, thuốc. Riêng thức ăn thôi, phải khai rõ là thuộc dạng nào: sống, chín, khô, đóng gói, có giấy chứng nhận nguồn gốc hay nhãn mác không. Mang đồ ăn đi nước ngoài gần như trở thành "tính cách" khá đặc trưng của người Việt Nam. Trong hành lý của chúng tôi có rất nhiều đồ ăn: tôm khô, me khô, thịt bò khô, mực khô, cơm cháy, gia vị nấu nướng... Một cô bạn còn đem theo gói mộc nhĩ phơi khô trong bọc nilon.
Sau khi đã điền các tờ khai chi tiết tên, thành phần các loại thức ăn, chúng tôi được yêu cầu mở vali để kiểm tra. Các loại thuốc mang theo phải giải thích là thuốc gì, trị bệnh gì. Riêng gói mộc nhĩ khô, do không có nhãn mác, đã được nhân viên hải quan mang đi kiểm tra. Sau khoảng 15 phút chờ đợi, anh quay lại, cầm trên tay 1 túi zipper nhỏ, và rọi đèn vào túi ấy, chỉ cho chúng tôi xem mấy con bọ nhỏ như hạt vừng. Bạn tôi có hai lựa chọn: hoặc là chấp nhận để họ tiêu hủy cái gói đó, hoặc là giữ nó nhưng không được nhập cảnh. Và tất nhiên, chúng tôi chọn cách thứ nhất.
Mới tháng trước, tôi về Việt Nam, và nhận ra sự khác biệt lớn. Tôi không phải khai nội dung hành lý ký gửi, không ai kiểm tra hành lý của tôi, và tôi cũng không phải giải thích về một ít thuốc men và hoa quả tôi đã mang từ New Zealand về TP HCM như dâu tây, kiwi, đồ ăn vặt. Còn anh bạn đi cùng thì bị hỏi về chiếc thùng xốp đựng 20 con bào ngư, nhưng khi anh nói "đó là đồ chín" thì được nhân viên hải quan cho đi qua, cũng không phải mở thùng.
Tôi chợt nghĩ, nếu như trong thùng ấy có một gói mộc nhĩ khô đầy bọ, hoặc miếng thịt sống có virus, liệu có phải chúng được vào Việt Nam một cách ung dung không? Một người bạn Pháp của tôi từng tỏ ra thích thú vì "thủ tục kiểm tra hành lý ở sân bay Việt Nam đơn giản quá, dễ quá". Anh kể có lần mang cả một cục thịt muối vào Việt Nam cũng trót lọt. Thậm chí, trong một lần đi công tác từ Ấn Độ về thành phố Hồ Chí Minh lúc 4 giờ sáng, tại khâu soi chiếu hành lý, bạn ấy phát hiện chỉ có một nhân viên hải quan đang ngủ, và cứ thế đi qua vô tư.
Những câu chuyện về việc hải quan các nước liên tục phát hiện hàng cấm tại khu vực nhập cảnh gần đây là lời cảnh báo về nguy cơ hành khách có thể là nguyên nhân then chốt mang mầm bệnh vào trong một lãnh thổ. Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan đã phát hiện thịt lợn có mầm bệnh và ngăn chặn ngay tại khu vực nhập cảnh. Hải quan Mỹ từng phát hiện hành khách giấu đầu lợn trong vali nhờ sự trợ giúp của chó đặc nhiệm. Úc đã phát hiện bệnh lở mồm long móng trong các sản phẩm bị thu giữ tại sân bay. Canada từng phát hiện vali hành khách chứa 5.000 con đỉa sống.
Thái độ với công tác kiểm dịch thực ra là một cách quan trọng bảo vệ quốc gia. Bởi thứ nhất, nó giúp bảo vệ an toàn sinh học. Hoa quả nhập cảnh có thể chứa các loại vi khuẩn, virus, ấu trùng sâu bệnh nguy hiểm, hủy hoại hệ thực vật và hoa màu của đất nước chúng viếng thăm. Trước đây, việc một hành khách mang theo loài ruồi vàng đục quả (Mediterranean fruit fly) vào nước Mỹ đã phá hủy các vụ mùa chanh tây, gây thiệt hại hàng trăm triệu đô la.
Lý do thứ hai là nguy cơ du nhập các mầm bệnh có tính lây nhiễm cao như lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm thông qua các sản phẩm như thịt và sữa. Ở Anh, năm 2001, người ta phải giết bỏ bảy triệu gia súc vì dịch bệnh lở mồm long móng, thiệt hại hơn 3 tỷ Bảng Anh.
Tại sân bay quốc tế Việt Nam có một đội chuyên kiểm tra dịch bệnh. Nếu hải quan khi làm thủ tục mà thấy cần thiết sẽ mời đội kiểm dịch đến làm việc với hành khách. Điều đáng nói ở đây là chữ "cần thiết" thường được hiểu là "nhiều thùng lớn". Và vì thế, nếu bạn chỉ mang theo vài cân thì sẽ không có chuyện bị kiểm dịch.
Nếu những quy trình kiểm dịch dù ở sân bay hay trên đường bộ không được thực thi nghiêm ngặt bằng mọi giá, không ngạc nhiên nếu chúng ta phải chào đón những mầm bệnh từ các nơi trên thế giới đổ về. Bài học sẽ rất đắt khi một con virus gây hại được nhập cảnh không cần visa, nó có thể hủy hoại cả một hệ sinh thái, nền kinh tế và chính con người.
Nguyễn Lừng Danh