Cách đây chưa lâu, tôi có dịp trò chuyện với một bạn người Pháp và hỏi về món bánh mì Việt Nam. Hỏi người Pháp về món bánh mì, cũng như hỏi người Hàn về món kimchi.
Thế nhưng họ trả lời rất khách sáo và lịch sự, nào là bánh mì Việt ngon, đa dạng, tuyệt vời... Khi hỏi người nước ngoài về phở và về các món ăn khác nữa, họ cũng sẽ trả lời rằng ngon.
Tôi không biết có sự khách sáo nào ở đây không, khi gần đây liên tục các món ăn này được vinh danh là "ngon nhất thế giới".
Về vị giác, đúng là nó ngon, ngon nhất thế giới kia mà? Nhưng tại sao nó lại không phổ biến trên thế giới?
Tôi lấy ví dụ những món tương đồng, như bánh mì kebap của Thổ Nhĩ Kỳ, bánh Hamburger... cũng đều là những món có vỏ bánh bằng bột ở ngoài, trong có nhân thịt ăn kèm rau, sốt...
Lúc này, người bạn nước ngoài nói với tôi, đại loại, đúng là bánh mì Việt ăn lần đầu thì nó ngon thật, nhưng thấy không thoải mái với lớp vỏ giòn. Trong khi nhiều người chúng ta thích bánh mì giòn, thì họ lại không thích vì hai nguyên nhân:
Thứ nhất, khi cắn, có những lớp vỏ giòn cứng, mỏng và sắc như những miếng vảy cá, có thể làm tổn thương nướu răng.
Thứ hai, khi ăn thì những miếng giòn này bị bể, rơi rớt ra sàn nhà. Khi nhai thì nghe "rạo rạo" trong khi việc nhai không phát ra tiếng động, theo một số quốc gia thì đó là phép lịch sự.
Theo số liệu từ năm 2023, ẩm thực Việt Nam ở vị trí cao trong bản đồ ẩm thực thế giới TasteAtlas. Với số điểm trung bình 4,44/5 do các chuyên gia ẩm thực, đầu bếp và khách quốc tế đánh giá, ẩm thực Việt Nam đứng thứ 22 trong bảng xếp hạng 100 nền ẩm thực ngon nhất thế giới 2023 của chuyên trang ẩm thực danh tiếng.
Tôi không phủ định cái sự ngon, nhưng vì sao ngon mà không thể phổ biến ra toàn cầu, như sushi của Nhật, kimbap của Hàn...?
*Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả? Gửi bài viết nhận định, đánh giá ẩm thực của bạn tại đây.
Phong Phú