Bà Đinh Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty Luật IDVN (đại diện cho Công ty Willkie Farr & Gallagher tại Việt Nam) nhận định đây có thể xem như một quyết định thuận cho các doanh nghiệp bởi Bangladesh là nước khá tương đồng với Việt Nam về trình độ phát triển kinh tế cũng như quy mô ngành nuôi trồng và chế biến tôm. "Hơn nữa, quyết định chọn Bangladesh làm thị trường thay thế cho Việt Nam đã tạo sự khác biệt về mặt chiến lược so với Trung Quốc. Trong vụ kiện cá basa trước đây, Bangladesh cũng được chọn nhưng căn cứ trên một lý do khác, đó là Ấn Độ không có loài cá như Việt Nam", bà Tuyết phân tích.
Trước đó, Việt Nam đã đề xuất chọn Bangladesh song phía nguyên đơn đề nghị chọn Ấn Độ cho cả 2 nước có nền kinh tế phi thị trường.
Thông thường trong một vụ kiện chống bán phá giá, DOC thường căn cứ trên 5 yếu tố để lựa chọn nước thay thế cho bị đơn là một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường. Đó là sự tương đồng về trình độ phát triển kinh tế, tương đồng về số lượng và trình độ của các nhà sản xuất, về sản phẩm, nguồn số liệu công khai và cuối cùng là trình độ của ngành sản xuất đó. Riêng với vụ kiện tôm, yếu tố cuối được xem xét chính là phương thức nuôi trồng cũng như chủng, loại và loài tôm.
Trong lúc này, các bên liên quan còn đang tranh cãi khá quyết liệt về giá trị thay thế, một yếu tố quan trọng để xây dựng biên độ chống bán phá giá. Theo bà Tuyết, dự kiến, phải đến sát ngày ra phán quyết sơ bộ, DOC mới công bố chính thức việc này.
Song Linh