Từ đầu tháng 3, TP Hà Nội bắt đầu tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị, tăng cường xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố, với mục tiêu trả lại nguyên trạng hè phố cho người đi bộ, nhất là tại 12 quận nội thành.
Tình trạng chiếm dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán cũng là vấn đề mà Thái Lan, quốc gia có nhiều nét tương đồng về văn hóa đường phố với Việt Nam, cũng phải đối mặt và tìm cách xử lý trong hàng chục năm qua, đặc biệt là ở thủ đô Bangkok.
Hàng rong trên vỉa hè từng được coi là một trong những nét đặc trưng văn hóa thu hút du khách của Bangkok, với những loại thực phẩm, hàng hóa giá rẻ, phong phú, phù hợp nhu cầu khách hàng.
Sau năm 2014, chính phủ Thái Lan khởi động chiến dịch lập lại trật tự tại thủ đô Bangkok, thành phố nổi tiếng với cuộc sống về đêm và ẩm thực đường phố, nhấn mạnh rằng "những người bán rong trên vỉa hè gây bất tiện và nguy hiểm".
Nhưng trong gần 10 năm sau, hàng loạt chiến dịch "đòi lại vỉa hè" đã không thu được nhiều thành công do công tác quản lý vẫn còn lỏng lẻo và sự bất hợp tác từ người dân. Quản lý hàng rong và vỉa hè vẫn là vấn đề nhức nhối trong những năm gần đây ở Thái Lan và thường xuyên trở thành đề tài tranh luận trong các kỳ bầu cử.
Sau nhiều đợt ra quân thất bại, tháng 6/2022, Cơ quan Quản lý Đô thị Bangkok (BMA) thông báo phát động chiến dịch dọn dẹp vỉa hè mới, thành lập các "trung tâm bán hàng rong" như một giải pháp lâu dài cho tình trạng kinh doanh vô tổ chức trên vỉa hè.
Mô hình này được BMA thực hiện dựa theo mô hình của Singapore, nơi các trung tâm bán hàng rong là một phần của văn hóa đường phố, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể năm 2020.
Theo Thống đốc Bangkok Chadchard Sittipunt, các trung tâm bán hàng rong được quy hoạch này có thể là khu ẩm thực đường phố, cung cấp kế sinh nhai cho tiểu thương, cũng như nguồn thực phẩm giá rẻ cho người dân.
BMA đã khảo sát, đàm phán với nhiều bên liên quan để thành lập hơn 100 trung tâm bán hàng rong ở các khu đất trống, gầm đường trên cao hay khu đất thuộc sở hữu nhà nước. Cơ quan này cũng lập một bộ tiêu chí để xác định những tiểu thương đủ điều kiện di dời và tiêu chí hoạt động kinh doanh tại các trung tâm hàng rong.
Tại những khu vực này, vỉa hè·cần rộng tối thiểu hai mét, trong đó một mét dành cho các gian hàng, một mét còn lại cho người đi bộ. Điều này đòi hỏi các tiểu thương và cư dân những tòa nhà lân cận hợp tác tối đa. Nếu tiểu thương để vỉa hè lộn xộn hoặc lấn chiếm ngoài khu vực đã quy định, giấy phép kinh doanh của họ sẽ bị thu hồi.
"Dự án phát triển trung tâm hàng rong không phải một chương trình phúc lợi của nhà nước. Thành công của dự án được xét dựa theo mức độ tuân thủ các quy định về trật tự và mức độ sạch sẽ, tăng mỹ quan thủ đô, đảm bảo sinh kế bền vững và nguồn cung thực phẩm giá rẻ sẵn có", Kessara Thanyalakpark, cố vấn của Thống đốc Bangkok, nói.
Chính quyền Bangkok tới nay duy trì 96 trung tâm hàng rong cho hơn 6.000 tiểu thương trên toàn thành phố.
Tuy nhiên, một số người Thái nói đây chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", bởi hơn 15.300 tiểu thương vẫn hoạt động tại gần 700 khu vực không được cấp phép.
"Khi cảnh sát đi tuần, người bán rong dọn hàng, rút đi một lúc. Khi xe cảnh sát khuất bóng, họ quay lại đúng vị trí cũ, tiếp tục hoạt động", Jay, 28 tuổi, người sinh ra và lớn lên ở Bangkok, nói với VnExpress.
Anh cho hay giới chức nhiều khu vực thủ đô thường "làm ngơ" trước thực trạng này để các tiểu thương có thể hoạt động. Một số quan chức cũng bị cáo buộc nhận hối lộ từ người bán hàng rong để cho qua hành vi kinh doanh trái phép trên vỉa hè.
Jay cho rằng người bán rong cần kế sinh nhai, nhưng Bangkok đang đối mặt với một thực tế là có quá nhiều người như vậy và không phải ai cũng chấp hành quy định, khiến nỗ lực giành lại vỉa hè trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Một số người kinh doanh chiếm dụng quá nhiều không gian trên vỉa hè, khiến người bộ hành phải đi xuống làn đường ôtô và đối mặt nhiều nguy hiểm, Jay cho biết.
"Người Thái đã quen với cảnh tượng này trong hàng thập kỷ. Đồng ý là cần cải thiện ý thức và tăng tính răn đe của luật, nhưng mọi chuyện phức tạp hơn nhiều", anh nói, cho rằng thực trạng giao thông, hạ tầng đô thị Bangkok mới là nguyên nhân chính khiến vỉa hè không còn là của người đi bộ.
Trong một bài đăng trên Bangkok Post năm 2019, Sittan Chalongtham, nhà sản xuất truyền hình, cho rằng nguyên nhân cốt lõi của vấn đề là giới chức Bangkok đã phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ chỉ thân thiện với ôtô, không dành cho tất cả người tham gia giao thông.
"Quy hoạch, quản lý không hướng tới con người", ông Sittan nói, cho hay chính quyền nhiều khu vực liên tục xén vỉa hè của người đi bộ để mở rộng làn đường cho ôtô. Phần vỉa hè ít ỏi còn lại không được quản lý tốt càng gây khó khăn cho người đi bộ.
Đòi lại vỉa hè cho người đi bộ là một trong 216 lời hứa mà Thống đốc Bangkok Sittipunt đưa ra trong giai đoạn tranh cử. Từ tháng 12 năm ngoái, ông đã yêu cầu lãnh đạo 19 phường cam kết sẽ lập lại trật tự đô thị trên vỉa hè.
Tuy nhiên, hồi tháng 1, một nhóm tiểu thương đã kéo tới tòa thị chính Bangkok để bày tỏ phản đối chiến dịch này, cho rằng giá thuê không gian tại các trung tâm hàng rong quá cao.
"BMA quy định mức phí 150 baht (khoảng 4,2 USD) cho mỗi mét một ngày, nhưng không gian một mét không đủ để bày bán bất cứ thứ gì", tiểu thương Natdanai Kulthachyosanan nói.
BMA cho hay mức phí sẽ tăng lên 500 baht mỗi ngày kể từ tháng 3, khiến nhiều tiểu thương cho hay họ sẽ không có lãi nếu bán ở trung tâm hàng rong và sẽ tìm cách "bán chui" trên vỉa hè.
"Ngoài ý thức của người dân, rất khó quản lý vỉa hè ở một siêu đô thị với tính chất hạ tầng, đường phố phức tạp như ở Bangkok. Chúng tôi cũng rất mệt mỏi với cảnh tượng nhốn nháo ở nhiều khu vực vỉa hè, nhưng không nhiều người tin rằng mọi chuyện có thể sớm được giải quyết", Jay nói.
Đức Trung (Theo Bangkok Post, Nation)