Tác giả bài viết Tôi tiếc ba năm học thạc sĩ vì không giúp lên lương, thăng chức tiếc rất đúng, khi mà kết quả của việc đi học thạc sĩ đã hiển hiện ngay khi bắt đầu: "Tò mò nên đi học".
Học vị thạc sĩ có ý nghĩa khác nhau đối với nền sản xuất của xã hội, có thể tạm chia thành bốn nhóm: học thuật-nghiên cứu, quản trị-điều hành, chuyên nghiệp và tổng hợp.
Với vị trí công tác của bạn là kỹ sư trong một doanh nghiệp nước ngoài, tôi nghĩ bạn sẽ phù hợp với một bằng thạc sĩ chuyên nghiệp (còn gọi là thạc sĩ chuyên ngành).
Để cải thiện được thu nhập thì những kiến thức liên ngành bạn được bổ sung trong quá trình học thạc sĩ chuyên nghiệp nên được cá biệt hóa sát với công việc thực tế, hiện hữu của bạn.
Điều này nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động nghề nghiệp của bạn ở cấp độ xử lý được các vấn đề nảy sinh trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, ứng dụng được tiến bộ khoa học và công nghệ vào hoạt động nghề nghiệp của bạn tại doanh nghiệp.
Điều này sẽ giúp bạn "làm thợ" giỏi hơn, chứ không biến bạn từ một kỹ sư trở thành một giám đốc, một quản đốc.
Còn nếu bạn muốn thay đổi vị trí công tác từ một kỹ sư trở thành một người điều hành, quản lý (giám đốc, quản đốc) thì bạn phải đạt được một tấm bằng thạc sĩ quản trị-điều hành.
Từ thực tiễn "làm thợ" trong doanh nghiệp, quá trình học thạc sĩ quản trị-điều hành sẽ giúp bạn ứng dụng các kiến thức liên ngành vào việc tối ưu hóa sự vận hành của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy các bộ phận có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của bạn trước đây liên kết chặt chẽ với nhau và hỗ trợ được cho hoạt động nghề nghiệp chính (hoạt động sản xuất kinh doanh lõi) của doanh nghiệp phát triển tốt, tăng qui mô và tầm vóc của doanh nghiệp.
Điều này sẽ giúp bạn từ một kỹ sư trở thành một giám đốc, quản đốc tốt, song chưa hẳn sẽ giúp bạn tiến bộ thành một kỹ sư giỏi hơn, có năng lực chuyên môn nghề nghiệp cao hơn.
Rõ ràng, bạn là người quyết định hướng phát triển của mình trong doanh nghiệp (hoặc trong nền sản xuất xã hội nói chung, với tư cách một người lao động) thông qua những gì bạn chọn học để lấy bằng thạc sĩ. Và đó là lý do vì sao các trường đại học tiên tiến đều dành cho người học lấy bằng thạc sĩ quyền lựa chọn 60-70% khối lượng học tập ở bậc học này.
Cho nên, khi bạn không biết học để làm gì, bạn sẽ không biết chọn cái gì để học, mà chỉ biết học bất cứ gì "người ta" (nhà trường, khoa giảng dạy, giảng viên...) đưa cho bạn, dẫn đến hệ quả là bạn không làm được gì mới cho nghề nghiệp của mình với những gì bạn học.
Trinh Giang Toan
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.