Một nghiên cứu gần đây do Đại học Dartmouth dẫn đầu đã chỉ ra rằng những dự đoán tồi tệ nhất về mực nước biển dâng do băng tan có thể sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là việc băng tan ở Greenland và Nam Cực không còn đáng lo ngại, theo Interesting Engineering.
Nghiên cứu này đi ngược kịch bản mà Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), nêu trước đó, Nam Cực có thể góp phần làm mực nước biển trung bình toàn cầu tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba vào năm 2030.
Nhóm nghiên cứu đã áp dụng mô hình MICI, độ phân giải cao để thu thập dữ liệu chính xác hơn. Họ cho rằng nếu báo cáo của IPCC là đúng, bán đảo Florida đã bị nhấn chìm từ lâu.
Trong nghiên cứu, các chuyên gia đã thử nghiệm trên sông băng Thwaites, còn được gọi là "Sông băng Ngày tận thế". Họ muốn phân tích khả năng sông băng này làm tăng mực nước biển toàn cầu hơn 60 cm.
Theo các nhà nghiên cứu, sông băng Thwaites sẽ không sụp đổ như lo ngại trước đây. Họ cho rằng kết luận trong báo cáo IPCC là không chính xác.
Giáo sư Mathieu Morlighem từ Đại học Dartmouth chia sẻ: "Những dự đoán này thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người. Các nhà hoạch định chính sách dựa vào những mô hình này và thường xem xét rủi ro cao nhất. Chúng tôi không nói rằng Nam Cực an toàn và mực nước biển sẽ không tiếp tục dâng - tất cả dự đoán của chúng tôi đều cho thấy băng đang tan nhanh chóng. Nhưng các dự đoán cực đoan rất quan trọng cho việc lập kế hoạch ven biển, và chúng tôi muốn chúng chính xác về mặt vật lý".
Ông Morlighem giải thích rằng khái niệm MICI liên quan đến việc thềm băng sụp đổ nhanh chóng, để lộ các vách băng ở rìa ngoài của các tảng băng mà không có sự hỗ trợ. Nếu các vách này cao, chúng có thể gãy do trọng lượng của chính mình, dẫn đến việc lộ ra một vách cao hơn và gây ra sự co rút nhanh hơn của tảng băng.
Mặc dù các nhà nghiên cứu đang theo dõi sông băng Thwaites, tương lai của nó vẫn còn chưa chắc chắn. Nghiên cứu này đặc biệt quan trọng vì nó đưa ra một góc nhìn khác về việc băng tan và mực nước biển dâng.
Hồi tháng 2/2023, tạp chí Nature đăng tải nghiên cứu của các nhà khoa học New Zealand và quốc tế cho rằng, các hồ băng tan là mối nguy hiểm tự nhiên lớn cho người dân sinh sống ở hạ lưu, lũ lụt có thể xảy ra bất ngờ khi đập tự nhiên bị vỡ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người sinh sống ở vùng núi cao châu Á và dãy Andes ở Nam Mỹ đối mặt với nguy cơ này cao nhất, trong khi các khu vực có mật độ dân số cao và ít tài nguyên để đối phó nguy cơ gặp nguy hiểm nhiều nhất.
Báo cáo tổng hợp của IPCC của Liên hợp quốc công bố tháng 3/2023 cũng đề cập các biến đổi đã được dự báo và quan sát được trong hệ thống khí hậu của Trái Đất; Các tác động trong quá khứ lẫn tương lai như nắng nóng, lũ lụt và nước biển dâng. Báo cáo cũng nhấn mạnh các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm khí thải carbon, nhanh chóng loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và khuyến khích ứng dụng các giải pháp công nghệ.
Minh Thư (Tổng hợp)