Jimmy Cherizier, cựu cảnh sát được biết đến với bí danh Barbecue, người đứng đầu liên đoàn G9 gồm 9 băng đảng, cáo buộc cảnh sát và các chính trị gia đối lập thông đồng với "giai cấp tư sản hôi hám" để biến Moise "thành vật hy sinh".
"Đó là âm mưu quốc gia và quốc tế chống lại người dân Haiti", ông nói trong video ngày 10/7. "Chúng tôi yêu cầu tất cả cơ sở huy động thành viên và xuống đường để làm sáng tỏ vụ ám sát tổng thống".
Trước đó, góa phụ của Moise đã cáo buộc những kẻ thù trong bóng tối tổ chức vụ ám sát ông để ngăn chặn sự thay đổi dân chủ, khi cuộc tranh giành quyền lực diễn ra ngày càng gay gắt ở quốc gia vùng Caribe.
Moise bị bắn chết rạng sáng 7/7 tại tư dinh ở Port-au-Prince. Chính quyền Haiti cho biết sát thủ là nhóm lính đánh thuê gồm 26 người Colombia và hai người Mỹ gốc Haiti. Tuy nhiên, nghi ngờ đã gia tăng về cách giải thích này, khi gia đình của ít nhất hai người Colombia nói rằng họ đã được thuê làm vệ sĩ.
Cố tổng thống từng nói về các thế lực đen tối đứng sau giật dây nhiều vấn đề sau nhiều năm đất nước bất ổn dưới sự cầm quyền của ông. Moise cho rằng các chính trị gia đối thủ và các nhà tài phiệt tức giận về những gì ông gọi là nỗ lực "làm sạch" các hợp đồng chính phủ và chính trường, đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý để thay đổi hiến pháp Haiti.
Cuộc trưng cầu dân ý, dự kiến diễn ra ngày 26/9 cùng các cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp, có thể bãi bỏ vị trí thủ tướng, định hình lại nhánh lập pháp và tăng quyền lực cho tổng thống.
Việc Moise bị giết đã làm lu mờ những kế hoạch đó và dẫn đến tình trạng hỗn loạn chính trị ở Haiti, nơi chính phủ lâm thời đang kêu gọi Mỹ và Liên Hợp Quốc gửi quân. Tuy nhiên, Mỹ cho biết họ không có kế hoạch cung cấp hỗ trợ quân sự cho Haiti vào lúc này, còn yêu cầu với Liên Hợp Quốc cần sự cho phép của Hội đồng Bảo an.
Haiti đã chìm trong nhiều khủng hoảng từ trước khi vụ ám sát Tổng thống xảy ra, như hứng chịu nhiều thiên tai nặng nề, lạm phát tăng cao, thực phẩm và nhiên liệu trở nên khan hiếm khi 60% dân số kiếm được ít hơn hai USD một ngày. Những vụ bắt cóc, trộm cướp và bạo lực băng đảng đã khiến nhiều vùng của Haiti rơi vào tình trạng vô chính phủ, nhiều người sợ hãi đến mức rời bỏ nhà cửa, một số tổ chức viện trợ phải cắt giảm hoạt động dù họ là nguồn sống của rất nhiều người.
Phương Vũ (Theo Reuters)