Trong cuộc bố ráp một tiệm làm móng ở vùng ngoại ô Southmead, hạt Bristol, phía tây nam nước Anh hồi đầu tháng 8, cảnh sát Anh bắt giữ ba phụ nữ tuổi 46, 24 và 21 cùng nam thanh niên 18 tuổi do tình nghi những người này liên quan đến hoạt động buôn bán người và cầm tù một phụ nữ như nô lệ, I News đưa tin.
"Cô ấy đang được các tổ chức có chuyên môn về hỗ trợ nạn nhân của tội phạm nô lệ thời hiện đại giúp đỡ hết mình", thanh tra Mike Ray cho biết người phụ nữ bị nhốt tại tiệm làm móng trên đã được sắp xếp chỗ ở an toàn.
"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo tất cả các nạn nhân đều được an toàn. Chúng tôi sẽ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện để xác định danh tính của kẻ phạm tội", ông Ray nói.
Cảnh sát Avon và Somerset không tiết lộ thông tin chi tiết về quốc tịch của những nghi can trong vụ bắt giữ. Nhưng theo truyền thông Anh, tại vùng Southmead, vào tháng 11/2013, từng xảy ra vụ một thiếu nữ quốc tịch Việt Nam 16 tuổi bị bạo hành và buôn bán để hành nghề mại dâm. Theo cảnh sát địa phương, nạn nhân, cùng một cô gái khác, bị nhốt trong một căn phòng kín mít phía sau một tiệm làm móng.
Sau khi vụ việc được phanh phui, bà Theresa May, lúc đó đang giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, tuyên bố kế hoạch thảo ra dự luật về nô lệ hiện đại. Bản dự luật này chính thức có hiệu lực vào ngày 26/3/2015.
Theo bà May, dự luật "sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ nhất có thể đến những kẻ tội phạm rằng nếu dính líu tới các hoạt động buôn bán người đáng ghê tởm, các người sẽ bị bắt, bị truy tố và giam giữ".
Bất chấp tuyên bố cứng rắn trên, cho đến nay cách thức tiếp cận của chính phủ Anh nhằm giải quyết vấn nạn nô lệ hiện đại vẫn tỏ ra chưa hiệu quả. Chưa có một tên tội phạm buôn người nào bị truy tố.
Tiệm làm móng 'trá hình'
"Các tiệm làm móng, đặc biệt các tiệm do người Việt Nam làm chủ, đang bị các tay buôn người dùng làm nơi bóc lột các nạn nhân. Tất nhiên, không phải tất cả các tiệm làm móng của người Việt Nam đều như vậy nhưng (trên thực tế) dường như các cơ sở kinh doanh do người Việt quản lý luôn xuất hiện trong nghiên cứu của chúng tôi", Jakub Sobik, thuộc tổ chức chống nạn nô lệ quốc tế, cho biết.
Vào tháng 12 năm ngoái, 97 phụ nữ làm việc tại các tiệm làm móng ở Anh bị cảnh sát bắt giữ vì nhập cư trái phép. Đa phần trong số họ là người Việt Nam, số khác đến từ Mông Cổ, Ghana, Trung Quốc, Nigeria, Pakistan và Ấn Độ.
Bộ Nội vụ Anh tuyên bố những phụ nữ được xác định là nạn nhân của bọn buôn người sẽ được chính phủ hỗ trợ còn những ai nhập cư vào Anh bất hợp pháp sẽ bị trục xuất về nước.
"Tôi nhớ mình có đọc về vụ này trên báo chí Anh và tự hỏi tại sao cảnh sát bắt giữ những người phụ nữ này về tội nhập cư bất hợp pháp mà không bắt giữ các tay chủ của họ vì tội (đối xử với các nạn nhân như) nô lệ hiện đại", ông Jakub Sobik băn khoăn.
"Điều đó thật khó hiểu. Nó chứng tỏ có vấn đề trong công tác phòng chống tội phạm nô lệ hiện đại, vốn thường xuyên bị chính phủ nhìn qua lăng kính nhập cư", Sobik nhận xét.
Việt Nam là quốc gia có số lượng trẻ em bị buôn bán nhiều nhất, đa số các em bị đưa vào Anh để làm việc trong các trang trại trồng cần sa, theo một báo cáo xuất bản năm 2014 về hoạt động tội phạm buôn người và bóc lột lao động ở châu Âu do tổ chức chống nạn nô lệ quốc tế thực hiện.
Báo cáo nhận định rằng hàng triệu bảng Anh lợi nhuận từ hoạt động tội phạm này được các băng đảng có tổ chức hợp pháp hóa qua các cơ sở kinh doanh như tiệm làm móng trước khi tuồn về Việt Nam.
Các tổ chức hoạt động vì quyền con người dẫn nguồn tin của cảnh sát cho thấy số lượng các trang trại cần sa gia tăng đột biến trùng hợp với sự ra đời ngày một nhiều của các tiệm làm móng.
Một số trẻ em Việt Nam mà cảnh sát Anh tìm thấy tại các cơ sở này khai rằng các em được dặn tìm đến tiệm làm móng gần nhất ngay khi đặt chân đến bất cứ thị trấn hay thành phố nào ở Anh. Sau đó, các em sẽ được chuyển đến làm việc ở một trang trại trồng cần sa hoặc tiệm làm móng khác.
"Ở Anh, các tiệm làm móng của người Việt là một vấn đề lớn. Không chỉ là điểm tiếp nhận những phụ nữ là nạn nhân của bọn buôn người, các tiệm làm móng này còn là mặt tiền của các hệ thống tội phạm lớn hơn: ban ngày làm móng, ban đêm là nhà thổ. Và đôi khi các tiệm này còn dính líu đến mạng lưới ma túy, đặc biệt là các trang trại trồng cần sa trên khắp nước Anh, trong vai trò một cỗ máy rửa tiền", chuyên gia Sobik chỉ rõ.
"Các băng nhóm gốc Việt dường như nắm giữ thị phần lớn trên thị trường cần sa Anh. Bọn chúng thường xuyên chuyển lậu người Việt sang Anh để làm việc cho chúng, thường là trẻ em dưới 18 tuổi".
Bị bóc lột như nô lệ
Theo một bài điều tra của New York Times, các nhân viên làm móng thường xuyên bị bóc lột, chấp nhận tiền công rẻ mạt, chịu đựng sự kỳ thị và lạm dụng. Riêng tại New York, Mỹ, số lượng các tiệm làm móng đã tăng gấp ba trong vòng 10 năm qua lên 2.000 cơ sở. Thị trưởng thành phố đã áp dụng một loạt các biện pháp để đảm bảo lao động làm móng không bị bóc lột và được trả công không dưới mức lương tối thiểu.
Trong khi đó, Anh chưa có chế tài quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ này.
"Thông thường các tay buôn người tiếp cận nạn nhân ở Việt Nam rồi hứa hẹn về một công việc ở Anh và đảm bảo sẽ chi trả mọi chi phí bao gồm vé máy bay. Những người này sau đó đến Anh với khoản nợ lên tới 10.000 USD và họ bị nhốt trong những nơi như tiệm làm móng. Họ phải ở yên đó, sống trong điều kiện sinh hoạt tồi tàn, cho đến khi trả hết nợ, đôi khi còn lâu hơn hơn thế", ông Sobik nói.
Trong báo cáo đánh giá về hoạt động tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức công bố vào năm 2017, cơ quan chống tội phạm quốc gia Anh nhận định quy mô thật sự của vấn nạn nô lệ hiện đại có xu hướng tăng theo từng năm và sẽ còn kéo dài. Năm 2014, Bộ Nội vụ Anh ước tính có khoảng 10.000 - 13.000 người là nạn nhân của hoạt động buôn người ở nước này.
Vào năm 2015, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ, ông David Cameron, trong một chuyến thăm Việt Nam đã nêu ra vấn đề này để cả hai bên cùng giải quyết. Lực lượng cảnh sát Anh cũng liên tục triệt phá các trang trại trồng cần sa sử dụng lao động người Việt. Và Bộ Ngoại giao Anh cam kết đến năm 2030 sẽ chấm dứt nạn buôn người và nô lệ hiện đại thông qua hợp tác quốc tế.
Chuyên gia Sobik cho rằng để làm được điều đó, chính phủ Anh cần tách bạch hai vấn đề: chính sách nhập cư và vấn nạn nô lệ hiện đại.
"Đừng chỉ nhìn vào hộ chiếu của nạn nhân, hãy giúp họ. Nếu anh muốn truy tố bọn tội phạm buôn người, anh cần các nạn nhân đứng trước tòa làm chứng chống lại những kẻ này. Sẽ không thể truy tố bọn buôn người nếu các anh gom tất cả các nạn nhân lại và cáo buộc họ vi phạm luật nhập cư rồi trục xuất họ về nước. Chúng tôi biết khoảng 1/3 các nạn nhân tiếp tục trở thành nạn nhân của hoạt động buôn người. Do đó chúng ta cần làm nhiều hơn cho họ. Họ cần sự bảo vệ và giúp đỡ lớn hơn", ông Sobik kết luận.
An Hồng