Mỗi năm, hàng trăm thanh niên Việt Nam chịu đựng cảnh sống cơ cực tại một khu trại tạm ở miền bắc nước Pháp trước khi được các tay buôn người vận chuyển vào Anh để lao động bất hợp pháp như trồng cần sa, làm móng hoặc phục vụ nhà hàng, theo Guardian.
Nằm ẩn trong một cánh rừng, cách thành phố cảng Calais, miền bắc nước Pháp khoảng 100 km về hướng đông nam, ngay cạnh một mỏ than cũ, khu trại được biết đến với cái tên "Vietnam City" (Thành phố Việt Nam). Đây là nơi tạm trú của 40-100 người nhập cư Việt Nam, trong số đó có cả trẻ vị thành niên.
Theo các tổ chức thiện nguyện chống nạn buôn bán người, những người Việt này đang trên đường tới Anh để lao động bất hợp pháp trong các trại cần sa, tiệm làm móng và nhà hàng.
Qua các bức ảnh chưa từng công bố, người ta thấy điều kiện sống tồi tàn của khu trại này. Cư dân của "Thành phố Việt Nam" sinh hoạt, nấu ăn và ngủ trong những ngôi nhà bỏ hoang của thợ mỏ, không lò sưởi với mái nhà mục nát có thể sập xuống bất cứ lúc nào.
Những tay buôn người chọn địa điểm này để dựng khu trại là vì nó gần với một trạm nghỉ chân trên đường quốc lộ. Trước khi lên phà sang Anh, các tài xế xe tải thường dừng tại trạm nghỉ lấy sức. Và an ninh của trạm dịch vụ thường lỏng lẻo hơn tại bến phà, do vậy, dễ lén đưa người nhập cư trái phép trốn trên xe tải.
Dù khu trại này tồn tại ngay ngoài rìa thị trấn Angres suốt nhiều năm qua, cảnh sát Pháp và chính quyền Anh chưa từng nỗ lực phối hợp để dẹp bỏ đồng thời ngăn chặn nạn buôn bán người Việt.
Một nhóm cư dân địa phương hoạt động vì người di cư đã giúp trả tiền gỗ nhóm lò và lắp đặt một máy phát điện trong khu trại. Họ cũng quyên góp đồ ăn, thức uống một hoặc hai lần mỗi tuần. Chính quyền địa phương dẫn nước máy tới trại. Và hàng tuần một tổ chức y tế thiện nguyện của Pháp đến thăm khám cho những người sống ở đây.
Theo một báo cáo của tổ chức France Terre d’Asile, đa số những người ở khu trại này đến từ các vùng nông thôn nghèo ở Việt Nam, nơi mà thu nhập trung bình mỗi tháng của công việc làm nông chỉ khoảng 113 USD. Họ sẵn sàng trả tới 42.000 USD để có cơ hội tới Anh làm việc. Họ là những đối tượng dễ bị tổn thương, trở thành con mồi cho các đường dây buôn người. Tưởng rằng sẽ có việc làm hợp pháp ở Anh nhưng khi đặt chân đến "miền đất hứa", nhiều người đã rơi vào tình cảnh bị bóc lột.
Trong những năm gần đây, cảnh sát Anh liên tục triệt phá các trang trại trồng cần sa trên khắp đất nước. Những trang trại này chủ yếu thuê thanh thiếu niên Việt nhập cư bất hợp pháp. Đầu năm nay, cảnh sát phát hiện 4 công nhân người Việt bị khóa trái bên trong một trang trại cần sa có quy mô công nghiệp, bên dưới hầm trú ẩn bỏ hoang ở hạt Wiltshire, phía tây nam nước Anh.
Bất chấp những vụ việc phát giác như vậy, cho đến nay chưa một tay buôn người nào bị truy tố, trừ một phụ nữ Anh bị buộc tội tại tòa án hồi tháng trước vì đưa 12 người Việt Nam nhập cư trái phép trên một chiếc xe tải chứa đầy lốp. Khi kiểm tra một chiếc Mercedes Sprinter chạy qua đường hầm eo biển Manche nối giữa Pháp và Anh vào ngày 4/7/2015, cảnh sát biên phòng Anh để ý thấy những cặp chân mặc quần jean lấp ló trong chồng lốp xe. Có 4 người đàn ông, 5 phụ nữ và ba trẻ nhỏ, tất cả đều mang quốc tịch Việt Nam, trên chiếc xe.
"Việt Nam luôn là quốc gia đứng đầu về số lượng người lớn và trẻ em bị buôn lậu vào Anh. 'Thành phố Việt Nam' ở phía bắc nước Pháp, nơi ở tạm của những người Việt trên đường nhập cư trái phép vào Anh, đã được ghi nhận nhưng dường như chính quyền Anh và Pháp đều chưa nỗ lực để ngăn ngừa hoặc triệt phá vấn nạn này", theo Chloe Setter, lãnh đạo tổ chức chống nạn buôn bán trẻ nhỏ ở Anh.
"Sự thụ động này cho thấy cách thức tiếp cận vấn đề nô lệ hiện đại của chính quyền Anh khá hời hợt", Setter nói.
Mimi Vu, làm việc tại tổ chức Pacific Links Foundation chống nạn buôn bán người có trụ sở ở Việt Nam, đã tới "Thành phố Việt Nam" hai lần. Cô cho biết trong chuyến đi hồi tháng 5, khu trại này có 39 đàn ông và một phụ nữ, một vài người trong số đó còn chưa tới tuổi vị thành niên.
"Tất cả mọi người đều dự định sẽ làm việc tại các tiệm làm móng ở Anh dù không một ai có kinh nghiệm hoặc qua đào tạo nghề này", Vu viết trong bản báo cáo sau chuyến đi.
Họ tin rằng "nam nhân viên làm móng tại Anh là điều bình thường và phụ nữ phương Tây quen với việc đàn ông làm móng cho họ". Tất cả đều không tin "khi chúng tôi cố gắng (nhẹ nhàng) thay đổi những hiểu lầm này", báo cáo của cô Vu cho biết ai cũng chắc chắn rằng họ sẽ dễ dàng tìm được việc làm khi đặt chân đến Anh và không ai muốn ở lại Pháp.
Một vài người biết về các vụ bóc lột lao động nhập cư tại các trang trại trồng cần sa ở Anh nhưng không tin rằng điều đó sẽ xảy ra với mình, Vu kể lại. Trong báo cáo, cô Vu đoán rằng khu trại này sẽ tiếp tục tồn tại vì những người ở đây không có ý định lưu trú và tìm việc làm ở Pháp, tức là không tạo ra áp lực tài chính và xã hội cho chính quyền sở tại. Các cư dân của "Thành phố Việt Nam" sẽ rời khỏi Pháp ngay khi họ leo lên được một chiếc xe tải để vào Anh. Và việc đó thường chỉ mất từ một tuần đến hai tháng.
An Hồng