Khi một tảng đá không gian khổng lồ đâm xuống vùng biển gần Bán đảo Yucatán của Mexico vào cuối kỷ Phấn Trắng, nó tạo ra một lớp bụi phủ kín Trái Đất trong nhiều năm, khiến nhiệt độ giảm mạnh và giết chết khủng long. Vụ va chạm cũng kéo theo thảm họa siêu sóng thần trên vịnh Mexico mà một số nhà khoa học tin rằng đã đẩy một đợt sóng thủy triều ban đầu cao tới 1.500 m hướng vào Bắc Mỹ, tiếp đó là một đợt sóng nhỏ hơn.
Giờ đây, trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Earth & Planetary Science, các nhà địa vật lý từ Đại học Louisiana và Đại học Texas của Mỹ, do Gary Kinsland dẫn đầu, báo cáo rằng họ đã lần đầu tiên phát hiện những dấu vết hóa thạch từ trận sóng thần này bị chôn vùi trong lớp trầm tích ở một khu vực ngày nay là trung tâm bang Louisiana.
Để tìm kiếm các cấu trúc cổ xưa bị chôn vùi, Kinsland cùng các cộng sự dựa vào kỹ thuật chụp ảnh địa chấn để "nhìn xuyên" lòng đất. Cụ thể, họ sử dụng chất nổ và búa công nghiệp để gửi sóng địa chấn vào sâu bên trong Trái Đất, sau đó lắng nghe phản xạ từ các lớp trầm tích và đá bên dưới.
Hình ảnh địa chấn dưới lòng đất ở Louisiana đã tiết lộ các gợn sóng hóa thạch liên tiếp cao trung bình 16 m và cách nhau khoảng 1 km. Nhóm nghiên cứu tin rằng đó là dấu vết của sóng thần khi những đợt sóng thủy triều khổng lồ tiến vào bờ ở vùng nước sâu khoảng 60 m, làm xáo trộn lớp trầm tích dưới đáy biển.
"Địa điểm này rất lý tưởng để bảo tồn các gợn sóng hóa thạch. Nước ở đây sâu đến mức khi sóng thần qua đi, các đợt sóng bão thông thường không thể làm xáo trộn đáy biển. Dấu vết của sóng thần cuối cùng bị chôn vùi trong trầm tích", Kinsland giải thích.
Phát hiện mới đã bổ sung một mảnh ghép quan trọng, giúp các nhà khoa học có cái nhìn rõ ràng hơn về vụ va chạm thiên thạch gây ra sự kiện tuyệt chủng hàng loạt cách đây 66 triệu năm. Các dấu vết ở trung tâm Louisiana gợi ý rằng những con sóng khổng lồ có thể đã nhấn chìm mọi thứ trong phạm vi hàng nghìn dặm trên đất liền.
Đoàn Dương (Theo Science Mag)