Nhờ Tàu quỹ đạo Trinh sát sao Hỏa (MRO) của NASA, nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ California (Caltech) xác định rằng nước dạng lỏng có thể chảy trên hành tinh đỏ cách đây 2 tỷ năm, muộn hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, Space hôm 16/1 đưa tin. Cụ thể, họ dùng dữ liệu của MRO để lập biểu đồ về sự hiện diện của các trầm tích muối clorua mà nước chảy để lại.
Tàu MRO bay trên quỹ đạo hành tinh đỏ từ năm 2006. Bằng cách nghiên cứu hàng chục hình ảnh về trầm tích muối do tàu vũ trụ này chụp, nhóm chuyên gia xác định các trầm tích muối có niên đại trẻ hơn. Họ sử dụng phương pháp "đếm hố trũng" - khu vực càng trẻ thì thường càng ít hố trũng - và xét thêm các yếu tố như khí quyển.
Nghiên cứu mới thay đổi mốc thời gian về sự tồn tại của nước trên sao Hỏa theo nhận định của các nhà khoa học, từ cách đây 3 tỷ năm thành 2 tỷ năm. Điều này có thể ảnh hưởng đến thông tin về sự sống trên sao Hỏa và lịch sử địa chất của hành tinh này.
"Một trong những giá trị của MRO là giúp các quan sát của chúng ta về hành tinh đỏ ngày càng trở nên chi tiết hơn. Sử dụng các công cụ để lập bản đồ càng nhiều khu vực trên sao Hỏa, chúng ta càng có thể hiểu hơn về quá khứ của nó", Leslie Tamppari, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA, cho biết.
Nhóm chuyên gia cũng tạo ra bản đồ độ cao bằng camera góc rộng của MRO và những hình ảnh cận cảnh bằng camera HiRISE với khả năng phát hiện hố trũng chỉ nhỏ như robot Curiosity hay Perseverance. Các trầm tích muối được phát hiện lần đầu tiên bởi tàu vũ trụ Mars Odyssey cách đây 14 năm. Tuy nhiên, điểm mạnh của MRO là sở hữu thiết bị có độ phân giải cao hơn.
Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu được thực hiện để đánh giá lượng nước chảy trên sao Hỏa, sử dụng cả dữ liệu trên bề mặt lẫn từ quỹ đạo. Chỉ vài ngày trước, các nhà khoa học nghiên cứu dữ liệu và cho rằng một hồ chứa nước ngầm tiềm năng ở cực nam sao Hỏa có thể thực chất chỉ là đá núi lửa.
Thu Thảo (Theo Space)