Những năm đầu thập niên 1980 chứng kiến sự "đổ bộ" của đĩa CD, cũng là lúc âm thanh kỹ thuật số lên ngôi thay thế cho những chiếc đầu và băng cassette. Dù trước đó, chúng là những thiết bị thời thượng, được nhiều gia đình xem là "báu vật", là niềm tự hào mỗi khi sở hữu.
Nhiều năm sau, khi công nghệ hiện đại hơn, các hình thức âm thanh kỹ thuật số tiên tiến hơn dần thay thế CD, nhiều người chỉ còn có thói quen nghe nhạc từ máy tính, điện thoại, máy nghe nhạc... Tưởng chừng như những chiếc đầu băng cassette "cổ lỗ sỉ" không còn được ưa chuộng, nhưng trên thực tế, vẫn rất nhiều người tìm đến.
Ông Duy Phong (42 tuổi, huyện Nhà Bè) là một trong những người chơi băng cassette có thâm niên hơn 10 năm nay. Ông cho biết, ông sưu tầm băng cassette để hoài cổ. "Để một chiếc đầu cassette trong phòng khách, nghe giai điệu du dương của các bản nhạc xưa, mọi ưu phiền của cuộc sống đều tan biến. Nó làm tôi như trẻ ra, như đang ở tuổi 20", ông chia sẻ.
Trong khi đó, anh Phương Hồng (35 tuổi, quận Gò Vấp) lại đến với cassette vì yêu âm thanh analog. "Chất âm analog mộc mạc, giọng hát cũng dày hơn, bao trùm lên cả nhạc đệm giúp nghe 'đã' tai hơn so với nghe nhạc trên máy tính nhiều", anh Hồng nói.
Anh Nguyễn Hùng (28 tuổi, quận Bình Tân) chơi cả băng cối, đĩa than và cassette đã 7 năm. Anh nhận định, cassette dễ chơi nhất trong số 3 thứ trên, do chi phí ít nhất, dễ kiếm nhất nhưng chất lượng âm thanh không thua kém nhau là bao. Anh cho rằng, chơi cassette khác với chơi âm thanh hiện đại, bởi yếu tố chất lượng luôn được đặt sau yếu tố hoài niệm.
Nhiều nơi tại TP HCM như đường Hùng Vương (quận 5), Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh)… hay các khu chợ bán hàng điện tử như Nhật Tảo (quận 10), chợ Tân Phước (quận Tân Bình) đều có các cửa hàng chuyên bán đầu và băng cassette phục vụ các "thượng đế" hoài cổ. Những thương hiệu được bày bán nhiều là Panasonic, Sony, Teac, Pioneer... Ông Huy Thanh, chủ một cửa hàng bán đầu và băng cassette cũ trên đường Nguyễn Kim cho biết, ông tiếp hàng chục khách chơi cassette và trung bình vẫn bán được 3 – 5 thiết bị mỗi ngày.
Theo ông Thanh, khách hàng đến với cửa hàng đa phần là dân chơi. Họ đến không chỉ mua bán, giao lưu các mẫu máy mà còn trao đổi về kinh nghiệm chơi, những mẫu đầu hay băng hiếm. Tuy nhiên, vẫn có một số khách hàng muốn mua một chiếc máy cassette chỉ để trưng bày tại phòng khách, như một vật dụng để gợi nhớ kỷ niệm thay vì sử dụng.
Theo tìm hiểu, có 2 dòng cassette chính, là các dòng máy tự hành (máy xách tay, có sẵn đầu phát, loa, ampli bên trong) và thiết bị chỉ đọc hay còn gọi là đầu câm (cassette deck). Những mẫu máy tự hành thường thuộc loại một loa (âm thanh đơn kênh, nghe nhạc mono) hoặc 2 loa (âm thanh đa kênh, nghe nhạc stereo), thiết kế nhỏ gọn, tự phát nhạc, giá bán từ 400.000 đồng. Trong khi mẫu đầu câm phải cần đến hệ thống loa (và ampli) mới có thể phát nhạc, giá từ 1,5 triệu đồng trở lên. Ông Thanh tiết lộ chúng chủ yếu về Việt Nam thông qua con đường xách tay từ Mỹ, Nhật... và là hàng tồn kho, hoặc được nhặt từ các bãi rác thải điện tử về tân trang lại.
Riêng băng cassette tùy mức độ hiếm mà có giá từ 30.000 đồng đến cả trăm ngàn đồng tùy nội dung trên đó, riêng băng trắng (chưa ghi nội dung) có giá từ 20.000 đồng. Những mẫu băng thông dụng nhất là C60 (thời lượng 30 phút âm thanh mỗi mặt) hay C90 (thời lượng 45 phút âm thanh mỗi mặt). Các thương hiệu quen thuộc là Sony, Maxell, Philips…
Theo ông Duy Khôi, một người chơi và là dân buôn cassette cho biết, dòng cassette tự hành hiện nay ít ưa chuộng hơn do chất lượng âm thanh không cao. Các mẫu mới còn mất đi đặc thù của một chiếc cassette truyền thống do được tích hợp thêm đầu đọc đĩa CD. "Thường thì dân chơi ít chơi cassette tự hành, nó chủ yếu dùng cho các cô giáo dạy ngoại ngữ hoặc để trưng bày thôi. Nếu chơi cassette thực sự, thưởng thức âm thanh thực sự thì phải là đầu câm, tất nhiên phải đi kèm hệ thống loa và amply nữa. Chơi đầu câm cũng vì thế mà tốn kém hơn", ông Khôi chia sẻ.
Về bảo quản đầu và băng cassette, ông Khôi cho rằng chỉ cần chống ẩm, chống bụi, để nơi khô ráo là được. Nếu mua thiết bị mới, người mua cần tỉnh táo lựa chọn nếu có kinh nghiệm, hoặc nhờ người am hiểu đi cùng để tư vấn, bởi hầu hết các mẫu đầu cassette được nhập vào Việt Nam thông qua những con đường không chính thức. Nếu có thể, nên tham gia các hội nhóm về chơi cassette, nhờ họ đưa ra lời khuyên, mua lại các thiết bị từ họ…
Người mua nên 'chạm tận tay, nhìn tận mắt' thiết bị, kiểm tra xem bên trong chúng có nhiều hay ít bụi, các nút bấm có nhạy không, thử các tính năng xem chúng có hoạt động tốt không, có gây rối băng không, thử nghe một vài bài hát xem chất lượng nhạc như thế nào… và lưu ý là không nên mua hàng qua mạng để tránh mất tiền oan.
Bảo Lâm