Gan Ziping, du học sinh Trung Quốc tại Đại học Meiji (Nhật Bản), trở về nước hồi tháng 4 sau khi hoàn thành chương trình Quản trị kinh doanh. 6 tháng sau, cậu vẫn chưa tìm được việc, dù đã ứng tuyển hàng trăm lần. Nhiều bạn bè của Gan cũng tương tự.
Có hơn 1,2 triệu du học sinh Trung Quốc dự kiến về nước năm nay, theo trang tuyển dụng 51job Inc. Trong nước, số sinh viên tốt nghiệp đại học là 11,6 triệu. Cả hai đều là những con số kỷ lục. Tuy nhiên, nền kinh tế chưa phục hồi sau đại dịch khiến các công ty không thể mở rộng quy mô tuyển dụng để đáp ứng những con số này.
Các công ty trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến, công nghệ và bất động sản, vốn thu hút nhiều nhân lực trẻ nhất, hiện đều ảm đạm. Tỷ lệ thất nghiệp ở người dưới 25 tuổi đã đạt kỷ lục 21,3% vào tháng 6, theo báo cáo của Cục Thống kê Trung Quốc.
Ngoài ra, hơn 50% nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên là du học sinh có học vị thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ, theo khảo sát của Tập đoàn Công nghệ và Giáo dục Phương Đông Mới.
Gao Yang, cử nhân Kinh doanh Đại học Oregon State và là thạc sĩ trường Kinh doanh, Đại học Warwick (Anh), vừa trúng tuyển là quản trị viên tập sự cho một công ty tư vấn du học tại Bắc Kinh. Gao cho hay tất cả ứng viên tham gia phỏng vấn nhóm với cậu đều tốt nghiệp từ top 9 đại học hàng đầu Trung Quốc, và có bằng thạc sĩ nước ngoài.
Nhiều du học sinh và nhà tuyển dụng nhận định bằng cấp nước ngoài đang thất thế ở Trung Quốc. Những lý do chính bao gồm: lợi thế về ngoại ngữ của sinh viên quốc tế giảm đi, kinh nghiệm thực tập ít và sự thiếu tương thích giữa bằng cấp và công việc thực tế.
Cán bộ nhân sự tại một công ty thuộc nhóm Fortune 500 cho biết công ty muốn tuyển dụng những sinh viên mới tốt nghiệp có kinh nghiệm thực tập tại trường hoặc công ty ở trong nước. Tuy nhiên, du học sinh khó đáp ứng vì các kỳ thực tập trong nước thường khá dài.
Khó gia nhập thị trường lao động, nhiều người chọn học lên cao. Theo báo cáo hồi tháng 3 của EIC Education, cơ quan du học hàng đầu tại Trung Quốc, phần lớn du học sinh Trung Quốc nằm ở nhóm theo học thạc sĩ (chiếm 81,2%). Năm học 2021-22, hơn 123.000 sinh viên Trung Quốc học sau đại học tại Mỹ, tăng hơn 3,6% so với năm trước. Con số này ở Anh là hơn 88.700, tăng 6%.
Cũng theo EIC, 25% du học sinh sau đại học đổi chuyên ngành, nhằm tăng khả năng cạnh tranh hoặc bởi đó là lựa chọn ưa thích. Các khóa học thạc sĩ kinh doanh và kinh tế được ưa thích nhất (chiếm 42,4%), trong khi ở bậc tiến sĩ, nghiên cứu sinh người Trung Quốc ưu tiên chuyên ngành Kỹ thuật (54%).
Huy Quân (Theo Caixin, New York Times, SCMP)