Thuế môn bài loại thuế doanh nghiệp phải đóng hàng năm dựa vào vốn điều lệ được ghi trên giấy phép kinh doanh.
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và khoản 1, khoản 2 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC, mức thuế, bậc lệ phí môn bài phải đóng đối với tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ năm 2022 được quy định như sau:
- Doanh nghiệp/tổ chức có vốn điều lệ/vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: Nộp 3.000.000 đồng/năm
- Doanh nghiệp/tổ chức có vốn điều lệ/vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: Nộp 2.000.000 đồng/năm
- Hộ kinh doanh có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: Nộp 1.000.000/năm
- Hộ kinh doanh có doanh thu trên 300-500 triệu đồng/năm: Nộp 500.000 đồng/năm
- Hộ kinh doanh có doanh thu trên 100-300 triệu đồng/năm: Nộp 300.000 đồng/năm
Như vậy, không có mức thuế môn bài nào đến 5.000.000 đồng
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp thì hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo đó, trường hợp kinh doanh trà đá nếu thu nhập thấp không cần phải đăng ký kinh doanh.
Như vậy việc công chức xã thông báo mỗi quán trà đá sẽ phải nộp thuế môn bài 5 triệu đồng là việc làm không đúng.
Bạn cũng cần lưu ý: theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008, hành vi mua, bán hàng hóa trên đường bộ là hành vi bị cấm nên cũng không thể đăng ký kinh doanh trà đá trên vỉa hè được. Bạn sẽ bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ được quy định tại Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019.
Mức xử phạt được quy định như sau:
- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng.
- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: Bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng; Họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
- Buộc phải thu dọn vật tư, vật liệu, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
- Buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, phương tiện, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị, biển hiệu, biển quảng cáo, các loại vật dụng khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội.