Sinh ra với bàn tay dị tật, cu Chánh sống cùng mẹ và chị gái trong ngôi nhà cấp bốn được hàng xóm gom góp lại sửa chữa. Vượt lên chính mình, vươn lên hoàn cảnh để phấn đấu học tập nhưng ước mơ của em khiến bao người ngỡ ngàng. Cu Chánh là tên gọi thường ngày của em Hoàng Xuân Trường (sinh năm 2007), học sinh lớp 4A, trường tiểu học Nghĩa Tiến, thị xã Thái hòa, Nghệ An. Câu chuyện về gia đình em được người dân khắp vùng truyền tai nhau và ai biết đến cũng rưng rưng nước mắt.
Tìm đến căn nhà nhỏ nằm vỏn vẹn trên mảnh đất chừng 70 mét vuông thuộc xóm Trung Nghĩa, xã Quang Tiến, thị xã Thái Hòa, tôi không thể cầm lòng trước hoàn cảnh cũng như nghị lực sống của ba mẹ con em. Bố mất năm Trường lên hai tuổi, một mình mẹ em - chị Trương Thị Thi (sinh năm 1976) vất vả kiếm sống nuôi lớn em và chị gái em - Hoàng Thị Thương (sinh năm 2005). Gia đình thuộc diện hộ nghèo của địa phương, chị Thi không có công việc ổn định, ai thuê gì làm nấy, là trụ cột của gia đình lại ốm đau quanh năm, đến thửa ruộng, mảnh vườn nhỏ cũng không có nên cuộc sống của ba mẹ con rất vất vả, việc trang trải cuộc sống hằng ngày gặp nhiều khó khăn.
Căn nhà nhỏ không có gì giá trị, đồ đạc trong nhà, quần áo cũng do hàng xóm hay họ hàng dùng cũ rồi cho lại. Đến cái giếng nước nhà chị Thi cũng không có, nước sinh hoạt hằng ngày phải gánh từ nhà hàng xóm về dùng... Tuy nghèo khó nhưng căn nhà lại sạch sẽ, ngăn nắp. Gia đình chị đang vay nợ ngân hàng hơn 30 triệu đồng từ lúc anh Bình (chồng chị) đang sống, cộng thêm nợ ngoài, nợ thức ăn, sinh hoạt hằng ngày nữa. Số nợ đó, không biết đến bao giờ mới trả hết đây?
Sống trong hoàn cảnh như thế, em Trường vẫn luôn nở nụ cười trên môi làm động lực cho mẹ. Suốt ba năm học vừa qua, em đều là học sinh giỏi, đứng đầu trong lớp, trong khối và trong trường. Em Thương cũng vậy, tuy bị suy dinh dưỡng khi đã học lớp 6 rồi mà chỉ nặng xấp xỉ 20kg nhưng em học giỏi, chăm ngoan. Hai chị em là tấm gương cho tinh thần vượt khó vươn lên học tập cho các bạn khác noi theo.
Cô Lê Thị Nga - giáo viên chủ nhiệm lớp em Trường cho biết: "Ở lớp, Trường luôn là học sinh ngoan dù tay bị dị tật nhưng cháu đã vượt lên được bản thân để cố gắng đạt thành tích cao. Đối với các bạn thì Trường luôn hòa đồng và sẵn lòng giúp đỡ trong học tập. Thương cho hoàn cảnh của cháu nên thầy cô, bạn bè và nhà trường đã nhiều lần quyên góp áo quần, đồ dùng học tập... và miễn tiền học thêm buổi chiều để tạo điều kiện cho cháu được đến trường".
Gặp Trường lúc em đang luyện viết, tôi chợt sững lại khi nhìn thấy bàn tay sáu ngón đang cầm bút viết từng chữ một trông thật khó khăn, đau đớn. Tay em bị dị tật từ lúc vừa sinh ra, chính vì ngón tay mọc thêm ấy mà em từng gặp rất nhiều khó khăn trong việc học. Nhưng bằng nỗ lực của bản thân, Trường đã vượt lên chính mình để phấn đấu học tập như bao bạn bè đồng trang lứa. Ở nhà, thương chị bị suy dinh dưỡng, gầy yếu, em thay chị giúp mẹ quét dọn nhà cửa, nấu cơm, rửa bát, thấy trời sắp mưa, em nhặt từng que củi đưa vào bếp... Người dân trong vùng ai cũng yêu quý em.
Khi được hỏi lớn lên em muốn làm nghề gì thì Trường nhìn mẹ rồi quay sang nói với tôi: "Em muốn đi nước ngoài giống anh Thế nhà bác Hòa (hàng xóm) để có tiền xây nhà cho mẹ, mua sữa cho chị Thương". Câu trả lời làm tôi rất bất ngờ bởi tôi nghĩ em sẽ như các bạn khác muốn trở thành công an, giáo viên hay kỹ sư... Ánh mắt lúc em nhìn mẹ tạo cho tôi cảm giác gì đó khó tả, nó làm tôi ngờ ngợ.
Thắc mắc được giải đáp khi tôi chuẩn bị chào ra về, em níu tôi lại và nói nhỏ: "Em muốn học thật giỏi để làm bác sĩ chăm sóc cho mẹ với chị Thương chị ạ! Nhưng mẹ không có tiền nên em muốn kiếm tiền cho mẹ. Chị đừng nói với ai nha". Đến đây, tôi thật sự không kìm được nước mắt, lòng tôi nghẹn lại, có một cảm giác rất lạ chạy trong tôi, nó chua xót, đau thương nhưng lại khiến tôi thấy hổ thẹn. Em là một đứa bé sâu sắc vô cùng. Ước mơ mà không dám nói ra, vì sao ư? Vì em ý thức được hoàn cảnh nhà mình, vì em muốn thay bố lo cho mẹ và chị nên ước mơ đành gói lại trong lòng. Khắc khoải vô cùng!
Ước mơ của Trường liệu có được thực hiện? Hai chị em của em có thể tiếp tục đến trường không? Chị Thi có đủ sức khỏe để lo cho hai con được không? Trên đường về mà trong tôi luôn thường trực những câu hỏi đó. Ánh mắt chị Thi, bé Thương và đặc biệt là Trường cứ hiện hữa trong đầu như thôi thúc tôi làm một điều gì đó. Vì thế tôi quyết định viết những dòng này kể về câu chuyện của em Trường và gia đình em. Mong rằng sẽ có phép màu đến và làm thay đổi đi phần nào cuộc sống khổ cực của ba mẹ con chị Thi.
Bùi Thị Linh Trang