Trước những lo ngại nhà ga ngầm C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo ảnh hưởng di sản hồ Gươm, chiều 22/8, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (đại diện chủ đầu tư), cho biết, dự án đã được Cơ quan Hợp tác Nhật Bản (JICA) hỗ trợ nghiên cứu từ năm 2004 và nhiều lần được lấy ý kiến các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học về vị trí hướng tuyến, các ga.
Tư vấn Nhật Bản đã đề xuất hướng tuyến qua khu vực gần trung tâm phố cổ, qua các phố Hàng Giấy, Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế. Phương án tuyến được kiến nghị trên nguyên tắc chung là đi theo các tuyến phố chính nhằm tăng lượng hành khách, thuận tiện xây dựng, giảm ảnh hưởng giải phóng mặt bằng khi tuyến hầm phải đi qua các khu dân cư, qua các nhà cao tầng do vướng móng cọc...
Theo ông Nguyễn Cao Minh, tuyến hầm được thiết kế nằm ở độ sâu ít nhất khoảng 12 m, đảm bảo mức lún bề mặt thấp nhất (tối đa chỉ 10 mm), trong quá trình thi công, vận hành không ảnh hưởng đến các công trình nhà cửa bên trên và lân cận.
Hầm có đường kính 6,5 m, thi công bằng máy khiên đào TBM với công nghệ triệt tiêu rung lắc. Đỉnh tuyến hầm cách mặt đất khoảng 12 m, mép ngoài tuyến hầm cách tâm Tháp Bút 8,2 m. Với khoảng cách này, độ lún của Tháp Bút trong thời gian thi công khoảng 1-4mm, "là độ lún rất nhỏ".
Trong giai đoạn vận hành tàu, hệ thống đường sắt chống rung sẽ giảm tối đa tiếng ồn và rung động. Trong điều kiện như vậy, theo tính toán của các chuyên gia tư vấn, mức ồn và rung động trong hầm sẽ nhỏ hơn 65 dB, trong ngưỡng tiêu chuẩn cho phép và giá trị đó còn nhỏ hơn rất nhiều trên bề mặt đất nền, không ảnh hưởng tới các công trình nhà cửa bên trên và lân cận tuyến, trong đó có Tháp Bút, đền Bà Kiệu và các công trình, nhà cửa trong khu phố cổ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Cao Minh cho rằng, theo Luật di sản, vị trí hầm đường sắt đô thị và ga ngầm C9 không nằm trong vùng bảo vệ I (gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng), mà phần lớn diện tích hầm và ga nằm ngầm dưới mặt đất dưới khu vực bảo vệ II (là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích).
"Công trình hầm đường sắt đô thị và ga ngầm C9 không vi phạm Luật Di sản văn hóa, không gây ảnh hưởng, sụt lún các công trình di sản", ông Nguyễn Cao Minh nêu quan điểm.
Cũng theo ông Minh, khi khảo sát xung quanh Hồ Gươm, một số chuyên gia cho rằng hồ là một nhánh sông Hồng nên là khu vực nền đất mới, khả năng có tàn tích di sản là rất ít. Tuy nhiên, khi thi công đào ngầm, nếu phát hiện các phế tích cũ thì sẽ khai quật khảo cổ.
Trong các văn bản xin ý kiến Bộ Văn hóa trước đây, lãnh đạo Bộ đã đồng thuận vị trí ga ngầm C9 và yêu cầu Hà Nội nghiên cứu giảm tác động đến di sản. Hà Nội vẫn đang xin ý kiến của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định tại Luật Di sản với các công trình nằm trong khu vực bảo vệ II.
KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc Việt Nam, cho rằng nếu nhìn vào ranh giới Hồ Gươm thì dự án có thể xâm phạm di sản trên mặt đất, song đây là công trình ngầm, chúng ta "không nên cực đoan" đánh giá. Dự án dưới ngầm nên không ảnh hưởng cảnh quan di tích, cũng như công nghệ thi công tiên tiến sẽ không làm tác động đến di sản.
"Tôi thấy nhiều nước trên thế giới xây dựng hệ thống tàu điện đi dưới các khu di tích lịch sử, di sản văn hóa, không thể nói là nó xâm phạm các khu di tích", ông Thông nói.
Tuy nhiên, ông Thông cho rằng, phương án tối ưu là vẫn nên đưa dự án đường sắt đô thị càng xa khu di sản càng tốt để tránh tác động tiêu cực phát sinh. Trường hợp không thể làm vậy thì các cơ quan chuyên môn phải tính toán lợi ích đạt được như kinh tế xã hội, thuận tiện giao thông, giảm ùn tắc... Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Thông lưu ý với các cửa ga trên mặt đất cần phải coi là một thành phần cảnh quan Hồ Gươm, không được xây dựng thành công trình nổi.
Mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng kiến nghị xem xét việc xây dựng đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Theo Ủy ban này, ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu "không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm thủ đô".
Thêm vào đó, quá trình thi công và vận hành đường ngầm hàng ngày sẽ tạo độ rung, gây nguy cơ hủy hoại di tích, vi phạm điều cấm của Luật Di sản văn hóa. Đây là những di tích được xây dựng từ hàng trăm năm trước, kết cấu trụ móng không vững chắc (Tháp Bút hiện bị nghiêng 3 độ), trong khi các phương án giảm thiểu tác động do nhà tư vấn đưa ra chỉ mang tính lý thuyết.
Ủy ban này đề nghị Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, thuyết minh kỹ hơn tác động của dự án đối với di sản, cảnh quan, môi trường, xã hội và các phương án thi công, phòng ngừa sụt lún, thay đổi cấu trúc địa lý, thủy hệ... trước khi trình Thủ tướng cho ý kiến thực hiện.
Trải nghiệm 3D tuyến đường sắt xuyên tâm Hà Nội
Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đang được điều chỉnh và quy hoạch tổng mặt bằng ga C9. Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, năm 2019 sẽ thực hiện công tác đấu thầu thiết kế chi tiết và thi công. Dự án dự kiến khởi công vào đầu năm 2020, sau 54 tháng thực hiện, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 có điểm đầu tại Khu đô thị Nam Thăng Long (CIPUTRA), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt -Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên Phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).
Theo phương án đã phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km (đoạn trên cao khoảng 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km). Tổng đầu tư của dự án điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.
Ga C9 nằm chính trên đường Đinh Tiên Hoàng và một phần vỉa hè Điện lực Hà Nội, ga nằm dưới lòng đất sâu 25m, đỉnh ga đến mặt đất 5m, dài 150m, rộng 21m. Nhà ga có 4 cửa lên xuống, trong đó một cửa ga trên vỉa hè cạnh hồ Hoàn Kiếm sẽ thay thế cửa hàng và nhà vệ sinh công cộng hiện tại.
Tháng 3/2018, Ban đường sắt đô thị đã tổ chức lấy ý kiến người dân về dự án đường sắt đô thị và ga ngầm C9. Đơn vị này đã tiếp nhận 1.718 phiếu đóng góp ý kiến, kết quả 90,3% ủng hộ, đồng ý; 7,2% phản đối và 2,5% không có ý kiến. Trong số 7,2% phiếu phản đối có 18 phiếu (1%) ghi ý kiến phản đối quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 do các lo ngại ảnh hưởng đến phong thủy, tâm linh, long mạch, di sản, bảo tồn di tích...