Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng việc xây dựng đường sắt đô thị số 2 (Hà Nội) đã vi phạm hành lang bảo vệ di tích đặc biệt hồ Hoàn Kiếm.
Nhà ga nằm trong di tích hồ Hoàn Kiếm
Trong quá trình chuẩn bị dự án đường sắt đô thị số 2, thành phố Hà Nội cho hay có hai phương án được lựa chọn. Phương án thứ nhất, dự án cắt qua khu phố cổ, Hàng Giầy, Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Đại Cồ Việt.
Với phương án này, hầm nhà ga ngầm C9 cách chân Tháp Bút 8,2 m, cách gò đá chân Tháp một mét. Thân ga (dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, 3 tầng) nằm chính dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa hồ Hoàn Kiếm. Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga tới hồ Hoàn Kiếm 10 m, tới tượng đài cảm tử 81 m, tới đền Bà Kiệu 83 m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m, tới Tháp Bút 36 m. Nhà ga có phần nằm trong khu vực bảo vệ 2 (khu vực bao quanh vùng lõi) của di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.
Phương án 2, tuyến đường sắt chạy dọc phố Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, Lê Văn Hưu sau đó kéo dài về phía nam theo hướng đến phố Huế, Đại Cồ việt.
Hà Nội đề xuất chọn phương án 1 và được sự chấp thuận của các bộ, ngành liên quan bởi có nhiều ưu điểm: tính khả thi cao, đủ không gian bố trí công trình phụ trợ, không phải giải phóng mặt bằng dân cư, không ảnh hưởng công trình lân cận, đảm bảo khoảng cách hợp lý đến các ga khác, phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch giao thông thành phố.
Phương án 2 không được chọn vì vi phạm hành lang bảo vệ theo Luật Đê điều, đường hầm phải xuyên qua các khu có nhiều nhà cao tầng với móng cọc sâu, kết nối phức tạp, chi phí xây dựng, vận hành cao...
UBND Hà Nội cho biết, sau 22 ngày lấy ý kiến, có 90% ý kiến đồng thuận với quy hoạch tổng thể mặt bằng ga C9.
Vi phạm Luật di sản văn hoá
Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Văn hóa dẫn ý kiến các nhà khoa học tại tọa đàm trước đó lại phản đối phương án này.
Các nhà khoa học cho rằng hướng tuyến đường sắt đô thị số 2 theo phương án 1 là vi phạm Luật Di sản văn hoá, tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu đối với di tích và không gian văn hoá trung tâm thủ đô nhưng chưa có báo cáo đánh giá tác động.
Một phần thân ga và toàn bộ cửa lên xuống số 3 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm. Tuyến đường ngầm xâm phạm vùng lõi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Bà Kiệu khi xuyên qua đền. Các nhà khoa học cảnh báo, các di tích ở khu vực này đều được xây dựng hàng trăm năm trước, kết cấu trụ, móng không vững chắc, nên quá trình thi công và vận hành tuyến ngầm tạo độ rung gây nguy cơ huỷ hoại di tích.
Quy mô thân nhà ga quá lớn so với diện tích khu vực nên cửa lên xuống bố trí quanh hồ Hoàn Kiếm không hợp lý. Khu vực này vốn đã có mật độ giao thông lớn. Với lưu lượng tăng thêm gần 7.000 người mỗi ngày do ga ngầm tạo ra, tiềm ẩn nguy cơ gây tắc nghẽn giao thông và phát sinh các vấn đề an ninh, xã hội khác.
Nguy cơ xảy ra sự cố khó lường
Đại diện Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết các công trình đường ngầm và ga ngầm luôn đối mặt với sự cố nguy hiểm là sụt lún, thay đổi cấu trúc địa chất, thủy hệ... Khu vực hồ Hoàn Kiếm được đánh giá có nền móng địa chất yếu, nhưng Hà Nội chưa tham vấn cơ quan chuyên ngành về địa chất để có đánh giác tác động. Do vậy nguy cơ xảy ra sự cố rất khó lường. Việt Nam lại chưa có kinh nghiệm và chuyên gia xử lý sự cố đường sắt đô thị, nếu xảy ra sự cố sẽ bị động.
Theo các nhà khoa học, hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu là di sản văn hoá quốc gia nằm trong khu vực trọng yếu, cần được bảo vệ tuyệt đối. "Vì thế, việc Hà Nội lựa chọn phương án 1 với lý do nêu trên không chi vi phạm pháp luật về di sản văn hoá mà xâm phạm không gian văn hoá đặc biệt của thủ đô; chưa đảm bảo hài hoà giữa phát triển đô thị với bảo tồn, phát huy di sản văn hoá”, báo cáo nhấn mạnh.
Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cảnh báo phương án được Hà Nội chọn không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hoá mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hoá của trung tâm thủ đô.
Ủy ban đề nghị Hà Nội hoàn thiện dự án, báo cáo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, trình Thủ tướng cho ý kiến trước khi triển khai.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 dự kiến có điểm đầu tại Khu đô thị Nam Thăng Long (CIPUTRA), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt -Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên Phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).
Tuyến đường sắt dài 11,5 km (đoạn trên cao khoảng 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km). Tổng đầu tư của dự án điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.