The 8th Pte Ltd, công ty có trụ sở tại Singapore nắm 10,42% cổ phần có quyền biểu quyết, là nhà đầu tư mới nhất sau Kusto đòi bãi nhiệm ban lãnh đạo hiện tại của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD). Công ty này yêu cầu bổ sung tờ trình bãi nhiệm tư cách Thành viên HĐQT với ông Nguyễn Bá Dương và Nguyễn Sỹ Công vào phiên họp thường niên 30/6.
Cổ đông này cho rằng vấn đề xung đột lợi ích của lãnh đạo Coteccons đi ngược lại với hầu hết nguyên tắc quản trị. Các vi phạm về quản trị gây ra tổn thất đáng kể cho Coteccons và cổ đông khi doanh thu, lợi nhuận tiềm năng bị chuyển vào các công ty khác do một số lãnh đạo sở hữu và kiểm soát.
The 8th Pte Ltd cho hay họ đầu tư vào Coteccons từ quý III/2019 vì tin vấn đề này sẽ được giải quyết nếu công ty có một đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, hoạt động minh bạch và không xung đột lợi ích.
Nhóm cổ đông này cũng khẳng định ủng hộ các hành động trước đó của Kustocem Pte. Ltd để "bảo vệ Coteccons trước các hành vi tham nhũng trong quản lý và điều hành của một số lãnh đạo cấp cao hiện nay". Đồng thời, họ đề nghị Chủ tịch Coteccons mời đại diện Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và Sở kế hoạch và Đầu tư TP HCM đến giám sát phiên họp thường niên.
"Chúng tôi là một công ty nắm giữ các khoản đầu tư tài chính và không có ý định thâu tóm để trực tiếp quản lý bất kỳ doanh nghiệp nào", đại diện The 8th Pte Ltd viết trong thông cáo chiều 9/6.
Tuy nhiên, trong thông cáo được ký bởi Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công phát ra chiều 10/6, phía Coteccons tiếp tục đặt câu hỏi về việc có hay không mối liên hệ giữa Kusto với The 8th Pte Ltd và một số cổ đông khác nhằm tìm cách miễn nhiệm những người sáng lập công ty để hoàn tất quá trình thâu tóm.
Nhóm cổ đông liên quan đến Kusto và The 8th Pte Ltd, theo thống kê của Coteccons, đang nắm hơn 45% vốn tại đây.
Lập luận về cơ sở của hoài nghi này, Coteccons cho biết The 8th Pte Ltd mới được thành lập tháng 6/2019 và sau đó hai tháng đã chi số tiền rất lớn để sở hữu 8,25 triệu cổ phiếu nhưng không tiếp xúc với Hội đồng quản trị và ban điều hành để tìm hiểu về hoạt động cũng như chiến lược kinh doanh. Sau ít ngày mua cổ phiếu, cổ đông này đã gửi văn bản chất vấn Hội đồng quản trị và ban kiểm soát công ty.
"Đây cũng là lúc nhóm Kusto liên tục có hành động gây hấn mang tính chất thù địch, đỉnh điểm là yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 15/10 và 18/10", thông cáo của Coteccons viết.
Xem thêm: Hành trình từ đối tác sang đối đầu của Coteccons - Kusto
Ông Công cho hay, nhiều năm qua Coteccons luôn đạt doanh thu trên 20.000 tỷ mỗi năm, lợi nhuận vượt xa nhiều đối thủ cùng ngành và trả cổ tức 30-50% nên việc bị cáo buộc vi phạm trong vấn đề quản trị doanh nghiệp là thiếu khách quan và không có căn cứ.
Ông cũng khẳng định Coteccons sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ các cổ đông lớn và sẵn sàng chuyển giao vị trí của mình cho những ứng cử viên do cổ đông lớn tiến cử với điều kiện họ đủ uy tín và năng lực để dẫn dắt công ty phát triển lâu dài.
Cách đây một tuần, Kusto đã thông báo triệu tập đại hội cổ đông bất thường vào giữa tháng 7 nhằm bầu Hội đồng quản trị mới và chỉ định kiểm toán độc lập hoạt động của Coteccons từ 2017 đến nay để làm rõ vấn đề xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan.
Động thái này, theo Kusto, được thực hiện sau nhiều năm nỗ lực không thành trong việc đối thoại với Hội đồng quản trị hiện tại để giải quyết các vấn đề một cách nội bộ. Họ từng nhiều lần đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo về việc liên quan đến xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan, sử dụng tài nguyên và uy tín công ty để phục vụ lợi ích của các thành viên trong "Coteccons Group" nhưng không được trả lời thoả đáng.
Tuy nhiên, ông Công cho rằng, hành động này là vô căn cứ và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu, hoạt động kinh doanh. Việc cổ đông ngoại liên tiếp đề nghị họp bất thường để bãi nhiệm chức vụ của chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc để "hoàn tất thâu tóm Coteccons".
Phương Đông