Kustocem Pte. Ltd. - cổ đông có trụ sở tại Singapore đang nắm giữ 17,55% cổ phần Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) vừa thông báo triệu tập đại hội cổ đông bất thường vào giữa tháng 7. Mục đích nhằm bầu Hội đồng quản trị mới và chỉ định kiểm toán độc lập hoạt động của Coteccons từ 2017 đến nay để làm rõ vấn đề xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan.
Lý giải việc đơn phương triệu tập cuộc họp bất thường, Kusto cho biết đã yêu cầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát Coteccons tổ chức họp từ 23/4 nhưng không được đồng ý. Ban kiểm soát quyết định không tự tổ chức cuộc họp bất thường vì không nhận được sự hợp tác, thậm chí là cản trở từ Hội đồng quản trị và ban giám đốc.
"Vì vậy, Kusto có toàn quyền hợp pháp để thay mặt Coteccons triệu tập cuộc họp theo Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty", thông báo phát ra chiều 2/6 viết.
Nhóm này nhận định đây không phải mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông, mà là giữa tất cả cổ đông với đội ngũ quản lý. "Việc tiếp tục trao quyền quản lý cho đội ngũ quản lý cao cấp hiện tại là một rủi ro sống còn cho Coteccons và có thể phá hủy tất cả giá trị cổ đông. Chúng tôi yêu cầu họ ngay lập tức từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons", thông báo viết.
Động thái này, theo Kusto, được thực hiện sau nhiều năm nỗ lực không thành trong việc đối thoại với Hội đồng quản trị hiện tại để giải quyết các vấn đề một cách nội bộ. Cổ đông này từng nhiều lần đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo về việc liên quan đến xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan, sử dụng tài nguyên và uy tín công ty để phục vụ lợi ích của các thành viên trong "Coteccons Group" nhưng không được trả lời thoả đáng.
Kusto nêu ví dụ, một số thành viên trong ban lãnh đạo Coteccons đang nắm giữ đồng thời các chức vụ quản lý quan trọng tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons, trong đó có vị trí Chủ tịch và người đại diện theo pháp luật.
Ricons ngoài tư cách nhà thầu phụ của Coteccons còn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực tổng thầu, thiết kế và thi công cùng phân khúc. Lợi nhuận sau thuế của Ricons năm 2015 chỉ bằng 11% Coteccons, nhưng đến năm ngoái đã bằng phân nửa.
"Điều này đặt ra câu hỏi lãnh đạo cấp cao của Coteccons quyết định chọn công ty nào đấu thầu cho dự án khi họ đồng thời quản lý cả hai doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp với nhau; lãnh đạo cấp cao của Coteccons và Ricons phân bổ lợi nhuận cho từng bên như thế nào trong các hợp đồng giữa hai bên", phía Kusto thắc mắc.
Kusto cho rằng nếu lãnh đạo Coteccons hành động vì lợi ích tốt nhất của công ty thì họ không thực hiện đúng nghĩa vụ với cổ đông của Ricons, và ngược lại. Nhóm cổ đông khẳng định không thể tiếp tục đặt niềm tin vào Hội đồng quản trị và ban giám đốc hiện tại, đồng thời nêu đích danh các thành viên điều hành chủ chốt là Chủ tịch Nguyễn Bá Dương, Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công, Phó tổng giám đốc Trần Quang Quân.
Phản hồi về thông báo triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường, ông Nguyễn Sỹ Công - Tổng giám đốc Coteccons cho rằng, hành động này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu và hoạt động kinh doanh. Đồng thời ông khẳng định, Kusto phải chịu trách nhiệm với những nhận định mang tính chất thù địch và bôi nhọ danh dự của ban lãnh đạo doanh nghiệp này.
Việc cổ đông ngoại liên tiếp đề nghị họp bất thường để bãi nhiệm chức vụ của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương và Tổng giám đốc, theo ông Công, "nhằm mục tiêu hoàn tất thâu tóm Coteccons".
Lãnh đạo Coteccons cho rằng, những thông tin Kusto nêu ra trong thông báo này vô căn cứ. Ví dụ, báo cáo tài chính hàng năm đều được kiểm toán bởi các công ty trong nhóm Big4 nên kết quả chính xác, không ai có thể can thiệp. Các giao dịch với thành viên như Ricons, Unicons đều có hợp đồng quy định chi tiết như khi hợp tác với các nhà thầu phụ, nhà cung cấp khác nên không có xung đột lợi ích.
"Tuy nhiên, vì không muốn Kusto tiếp tục có những hành động gây hấn nên Coteccons đã không ký bất cứ hợp đồng nào với Ricons từ cuối năm 2019 đến nay", ông Công viết trong thông cáo chiều 3/6.
Phương Đông