Năm 2019, Ban Kinh tế Trung ương đăng ký và được Bộ Chính trị giao chủ trì xây dựng 8 đề án lớn. Đến nay, cả 8 đề án đều đã hoàn thành, trong đó Bộ Chính trị thông qua 6 đề án, ban hành 2 Nghị quyết, 3 Kết luận, 1 Nghị quyết đang trình để ban hành và 2 Đề án đang chờ lịch họp Bộ Chính trị.
Trong năm, Ban Kinh tế Trung ương cũng thực hiện 64 cuộc tiếp, làm việc với đại diện của các tổ chức quốc tế nhằm tăng quan hệ ngoại giao, trao đổi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo báo cáo của Ban, dù hoàn thành nhiều đề án lớn, công tác của Ban Kinh tế Trung ương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, chất lượng và hiệu quả một số mặt công tác còn chưa đồng đều, kết quả nghiên cứu, đề xuất một số đề án, báo cáo còn chậm tiến độ. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát thực hiện một số chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế đạt hiệu quả chưa cao. Cơ sở dữ liệu thông tin còn hạn chế, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu tập trung.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nút thắt lớn nhất hạn chế sự phát triển hiện nay là thể chế, nút thắt về tư duy. "Nếu không thay đổi về tư duy kinh tế thì dẫu có điều chỉnh thể chế cũng vẫn là thể chế cũ, là 'bình mới rượu cũ', không thể có đột phá", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương phải là cơ quan đi đầu trong đổi mới tư duy, dẫn dắt, định hướng cho sự phát triển thông qua việc hiện thực hóa các đề xuất, kiến nghị thành nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, chỉ thị của Ban Bí thư. Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất vấn đề mang tầm chiến lược ngay trong năm 2020, như biến đổi khí hậu, các vấn đề về khai thác kinh tế biển, về công nghiệp hóa.
Đối với những vấn đề mới xuất hiện như cách mạng công nghiệp 4.0 hay nguy cơ bẫy thu nhập trung bình, Thủ tướng yêu cầu cần có những giải pháp để tận dụng cơ hội và vượt qua những thách thức. Riêng với mô hình đặc khu kinh tế, Thủ tướng cho rằng mô hình này đã giúp nhiều quốc gia vươn lên và tham gia các nhóm quốc gia công nghiệp phát triển. Nhưng với Việt Nam, thời thế mới đòi hỏi phải xây dựng mô hình phù hợp.
"Có mô hình nào mà chúng ta có thể áp dụng để tìm được động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của nước ta? Việt Nam có cần đặc khu kinh tế không? Chúng ta tiếp tục làm không? Những mô hình thế giới, khu kinh tế, khu công nghiệp, những đặc khu kinh tế là những mô hình phải tiếp tục nghiên cứu tốt hơn", Thủ tướng nói và đề nghị Ban kinh tế Trung ương phối hợp cùng xử lý vấn đề đặc khu.
Minh Sơn