Ngày 9/9, tọa đàm "Phát huy giá trị phế tích tại Vườn quốc gia Ba Vì" do Hội kiến trúc sư Việt Nam và tập đoàn Melia Hotels International tổ chức. Hơn 150 chuyên gia về kiến trúc, bảo tồn, lịch sử văn hóa, cảnh quan... tham dự, đưa ra đánh giá và đề xuất hướng khai thác phế tích nhằm phục vụ du lịch, giáo dục. Các chuyên gia cũng kêu gọi cơ quan quản lý có chính sách phát triển Ba Vì nhằm kích cầu du lịch.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì là một bài toán khó. Nhưng thế giới đã có lời giải rất phổ biến là phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ, tìm hiểu trực quan về lịch sử, văn hóa. Phương thức này đồng thời tạo nên nguồn kinh phí để bù đắp phần nào cho việc duy trì và bảo vệ các di tích vốn rất eo hẹp.
Sau thời gian đánh giá hiện trạng các phế tích ở VQG Ba Vì, Hội kiến trúc sư Việt Nam đề xuất 5 nguyên tắc khai thác: Bảo tồn nguyên trạng các kiến trúc Pháp cũ; Phục dựng những không gian văn hóa - kiến trúc trên nền phế tích cũ; Tạo không gian kiến trúc mới kết hợp nền phế tích cũ một cách hài hòa với thiên nhiên; Xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích cũ tăng tính tương phản cho quá khứ - hiện tại; Tôn tạo cảnh quan mới trên cơ sở lựa chọn có chủ ý với các chủng cây xanh bản địa.
Đi kèm các nguyên tắc trên đều có ví dụ về các công trình lịch sử nổi tiếng thế giới vừa bảo tồn giá trị vừa phát triển du lịch, văn hóa như tòa Reichstag (Đức), thành phố cổ Ephesus (Thổ Nhĩ Kỳ), bảo tàng Lourve (Pháp), khu tưởng niệm hòa bình Hiroshima (Nhật Bản)...
Ông Alvaro Paredes (Tây Ban Nha), kiến trúc sư của DesignLab, đơn vị thiết kế khu nghỉ dưỡng Melia núi Ba Vì nói: "Ngày nay việc tái sử dụng tích cực được coi là chiến lược để bảo vệ các di tích lịch sử". Paradores là một ví dụ: công ty quản lý khách sạn của Tây Ban Nha này đã biến nhiều tòa nhà lịch sử, lâu đài cổ thành khách sạn như Parador de Plasencia cải tạo từ tu viện thế kỷ 15 - 17, hay Parador de Almagro từng là tu viện thế kỷ 16...
Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, PGS - TS Đặng Văn Bài, cho hay: "Bảo tồn di sản văn hóa phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững. Di sản đến từ quá khứ nhưng phải gắn với hiện tại, đáp ứng tốt nhu cầu của con người. Tạo lập sự "cân bằng động" giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và môi trường thiên nhiên là đích hướng tới. Bảo tồn di sản để tạo cơ hội hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa mới".
Ông Bài gợi ý, khu vực chân núi có thể phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đại trà, lên cao hơn nên làm trải nghiệm, khám phá dạng du lịch sinh thái cao cấp. Thực tế, dịch vụ du lịch cao cấp có hạn chế về đối tượng và lượng khách nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế không kém và mặt mạnh của hình thức này là tác động môi trường ở mức thấp nhất có thể.
Đồng quan điểm trên, kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên viện trưởng Viện bảo tồn di tích cho rằng, người Pháp đã đặt nền móng cho sự hình thành đô thị lớn và các thị trấn hay khu nghỉ dưỡng ở nước ta. Các phế tích Pháp tại Ba Vì cũng là dấu tích của di sản quy hoạch kiến trúc vùng núi rừng đặc trưng thời thuộc Pháp. Chúng tạo cảm xúc lịch sử với đầy đủ yếu tố thiên nhiên, con người và thời gian. Do đó, có thể phát triển du lịch đáp ứng nhu cầu đồng thời bảo tồn những giá trị lịch sử văn hóa cốt lõi.
Ông nêu thêm, nên xây dựng một trung tâm dữ liệu thông tin về VQG, các khu phế tích... thành nơi lưu trữ, tiếp tục sưu tầm, trưng bày cho du khách và nhà nghiên cứu cái nhìn toàn diện trước khi tiếp cận các phế tích.
Ông Nguyễn Tấn Vạn, chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam cũng ủng hộ phát triển Ba Vì đúng tầm và bền vững với 4 yếu tố: Chính sách quản lý, phát triển phù hợp và kịp thời; nhà đầu tư và nhà quản lý khai thác thông minh, có tâm, có tầm, chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm; kiến trúc sư tâm huyết, tài năng; sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ của cộng đồng để phát triển bền vững.
VQG Ba Vì rộng 10.814 ha là tài nguyên quý của thiên nhiên và có giá trị lịch sử rất lớn, cách Hà Nội 60 km về phía tây. VQG là rừng nguyên sinh nhiệt đới và ôn đới bảo vệ khí quyển, điều hòa khí hậu thủ đô đồng thời mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh. Hiện VQG còn khoảng 200 nền phế tích do người Pháp đã xây thị trấn và khu nghỉ mát cách đây gần 100 năm.
Khánh Trần
Xem thêm: