Tại Olympic năm nay, 339 huy chương sẽ được trao, đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp của các vận động viên. Tuy nhiên, giành được huy chương vàng Olympic không đồng nghĩa với việc họ sẽ có cuộc sống khá giả suốt đời.
Sau khi Greg Louganis giành được hai huy chương vàng Olympic ở Los Angeles năm 1984 và lặp lại kỳ tích 4 năm sau tại Seoul, ông được ca ngợi là vận động viên nhảy cầu vĩ đại nhất trong lịch sử.
Nhưng Louganis đã gặp vấn đề tài chính khiến ông đối mặt nguy cơ bị tịch thu nhà ở Malibu để thế nợ. Năm 2012, Louganis nhờ cậy Ingrid O'Neil, người điều hành một nhà đấu giá ở Corona del Mar, California, chuyên về các kỷ vật Olympic. Đối tác của Louganis gọi cho bà, giải thích rằng vận động viên muốn bán một số huy chương của mình.
"Ông ấy muốn 100.000 USD cho mỗi chiếc", O'Neil kể. "Hồi đó tôi nói với ông ấy rằng tôi không nghĩ mình có thể bán được chúng với giá đó. Tuy nhiên, ngày nay, tôi nghĩ có thể làm được".
Louganis cuối cùng bán được nhà thay vì từ bỏ các huy chương vàng, nhưng câu chuyện này vẫn gây sốc. Trong khi có các liên đoàn cầu thủ cho những giải đấu như NFL (bóng bầu dục) và NBA (bóng rổ), các vận động viên Olympic thường gặp khó khăn mưu sinh hơn khi sự nghiệp thi đấu kết thúc. Thông thường, những huy chương mà họ giành được là một trong số ít tài sản mà họ có khi giải nghệ.
Năm 1980, Mark Wells và Mark Pavelich là thành viên đội khúc côn cầu Mỹ huyền thoại đã đánh bại Liên Xô trong Olympic mùa đông ở New York. Tuy nhiên, sự nghiệp thi đấu của Wells sau đó rất lận đận và anh giải nghệ năm 1982 ở tuổi 25.
Anh trở thành quản lý nhà hàng ở quê nhà Michigan. Wells đã bị thương trong khi dỡ hàng và phải phẫu thuật trong 11 giờ. Các bác sĩ phát hiện ra anh mắc bệnh thoái hóa cột sống hiếm gặp. Nằm liệt giường, không thể làm việc và chán nản, Wells cuối cùng phải bán huy chương vàng Olympic cho một nhà sưu tập tư với giá 40.000 USD. (Nhà sưu tập sau đó bán nó trong một cuộc đấu giá với giá 310.700 USD)
"Tôi rất đau lòng khi phải bán huy chương nhưng tôi sắp mất nhà. Tôi cần bán nó để phẫu thuật và sống tiếp", Wells nói vào năm 2010. "Tôi không còn lựa chọn nào khác".
Mark Pavelich, đồng đội của Wells trong đội tuyển Olympic, đã có sự nghiệp thi đấu thành công hơn Wells khi gia nhập một số đội trong giải khúc côn cầu NHL.
Nhưng khi vợ ông, Kara, chết vì ngã từ ban công năm 2012, mọi thứ trở nên tồi tệ với Pavelich và ông phải bán huy chương vàng trong cuộc đấu giá hai năm sau đó. Năm 2019, ông bị bắt vì hành hung một người hàng xóm nhưng được cho là không đủ khả năng ra tòa do vấn đề sức khỏe tâm thần.
Môn thể thao đã giúp Pavelich giành huy chương vàng có thể là nguyên nhân khiến cuộc sống ông sa sút. Gia đình nghi ngờ Pavelich bị bệnh tổn thương não mạn tính do chấn thương (CTE), hậu quả của vô số cú đánh vào đầu ông đã chịu trong suốt sự nghiệp. Vào tháng 3/2021, khi đang sống tại một trung tâm điều trị ở Minnesota, Pavelich kết liễu đời mình ở tuổi 63.
John Millensted, người đứng đầu bộ phận Tiền xu & Huy chương tại nhà đấu giá Bonhams cho biết: "Thị trường buôn bán huy chương Olympic rất sôi động nhưng nó phụ thuộc vào một số yếu tố, như huy chương ở mùa Olympic nào". "Hiếm khi có các vận động viên đương thời bán huy chương. Thường là thân nhân bán đi sau khi họ đã qua đời".
Đôi khi ngay cả các vận động viên của môn thể thao rất được ưa chuộng như bóng rổ cũng bán đấu giá huy chương vàng, như trường hợp của các cựu cầu thủ đội Mỹ Vin Baker (Sydney 2000), Walter Davis (Montreal 1976) và Jerry Lucas (Rome 1960).
"Thật là bất thường khi cầu thủ bóng rổ bán huy chương, nhưng bạn có thể hiểu tại sao một số lại làm vậy", Robert Raiola, giám đốc Sports & Entertainment Group tại công ty kế toán PKF O'Connor Davies, cho biết. "Họ không có thu nhập đều đặn và họ dành quá nhiều thời gian để tập luyện nên gần như không thể tránh khỏi việc một số người chật vật mưu sinh khi sự nghiệp thi đấu kết thúc".
Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ trả cho vận động viên 37.500 USD nếu giành huy chương vàng, 22.500 USD cho huy chương bạc và 15.000 USD cho huy chương đồng. Ủy ban có chương trình giáo dục và hướng nghiệp để giúp các vận động viên dễ dàng chuyển sang cuộc sống mới. Tương tự, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cũng vận hành chương trình hướng nghiệp. Tuy nhiên, Louganis cho rằng các tổ chức cần làm nhiều hơn.
Cũng có số một số vận động viên bán huy chương để làm từ thiện: Nhà vô địch bơi lội Mỹ Anthony Ervin đã bán đấu giá huy chương vàng từ kỳ Olympic Sydney 2000 và Athens 2004 đển quyên góp 17.101 USD cho các nạn nhân sóng thần ở Ấn Độ.
Tuy nhiên, O'Neil cho biết các vận động viên thường bán huy chương vì lý do buồn. "Tôi nhớ một người đã bán huy chương bạc môn bơi lội. Anh ấy nói rằng anh ấy đã luyện tập trong nhiều năm để giành được huy chương vàng và thất vọng đến mức không muốn nhìn vào chiếc huy chương bạc", bà giải thích.
"Huy chương đã chiếm vị trí đặc biệt trong trái tim tôi kể từ tháng 2/1980", vận động viên khúc côn cầu Wells viết trong một bức thư. "Trước khi tôi quyết định rao bán nó, tôi đã ôm chiếc huy chương này đi ngủ trong hai tuần. Tôi hy vọng các bạn sẽ trân trọng tấm huy chương này giống như tôi".
Phương Vũ (Theo NYPost)