Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều 8/12, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình dự thảo Nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Theo ông, khi dịch bùng phát mạnh thì số lượng người bệnh tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tăng cao. Nhân viên y tế không có thời gian để lập các biểu mẫu, hồ sơ liên quan nên không thể bóc tách chi phí điều trị bệnh Covid-19 do ngân sách nhà nước chi trả (theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm) và chi phí điều trị bệnh nền hoặc bệnh khác do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả.
Do vậy, Chính phủ kiến nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 268, nghĩa là ngân sách nhà nước chỉ trả các khoản điều trị liên quan Covid-19, còn chi phí điều trị bệnh nền thực hiện theo quy định khác. Tuy nhiên, với các trường hợp không bóc tách được chi phí, Chính phủ sẽ dùng ngân sách thanh toán toàn bộ cho người bệnh.
Ngoài ra, Chính phủ đề xuất được sử dụng kinh phí từ nguồn dự phòng của Quỹ bảo hiểm y tế để cùng với nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 trên nguyên tắc bảo đảm an toàn.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết trong Ủy ban có hai nhóm ý kiến. Đầu tiên là thống nhất một phần với đề xuất của Chính phủ, tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 268, trường hợp chi phí thực tế không bóc tách được sẽ do ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ.
Để thực hiện phương án này, Chính phủ cần sớm hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết số 268 và giao Bộ Y tế ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở cho việc thanh toán từng ca bệnh.
Chính phủ cũng cần quy định rõ cấp có thẩm quyền quyết định việc không thể bóc tách được chi phí điều trị, phải sử dụng ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ. Việc thực hiện phương án này có nguy cơ dẫn đến tình trạng các cơ sở y tế "không thực hiện bóc tách làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước", theo bà Thúy Anh.
Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị quy định thanh toán khám, chữa bệnh cho người nhiễm Covid-19 theo chi phí thực tế từ nguồn ngân sách nhà nước và một phần từ nguồn Quỹ bảo hiểm y tế; đồng thời giao Chính phủ xác định phần chi phí do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán cho từng ca bệnh. Với phương án này, các cơ sở y tế sẽ không phải bóc tách chi phí để thanh toán theo các nguồn, qua đó tập trung hơn cho công tác khám chữa bệnh.
Để thực hiện phương án thứ hai, Chính phủ cần bổ sung dự báo tác động đến ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm y tế; phân tích số liệu đã thanh quyết toán chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 thời gian qua để có căn cứ xác định tỷ lệ trích từ nguồn bảo hiểm y tế.
"Phương án này sẽ không thể hiện tính minh bạch trong việc thanh toán chi phí và tạo sự không công bằng giữa người tham gia bảo hiểm y tế và không tham gia. Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ có ý kiến thêm về hai phương án nêu trên để làm cơ sở cho Thường vụ Quốc hội quyết định", bà Thúy Anh nói.
Góp ý nội dung nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng không nên giao Chính phủ quyền điều hòa giữa ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế. "Trường hợp nào không tách được thì mới chi bằng ngân sách, không thể lấy từ bảo hiểm y tế đưa vào ngân sách", ông Huệ nói.
Dẫn khảo sát chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 đến 9/11, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Phạm Lương Sơn cho biết trong khoảng một triệu bệnh nhân điều trị khỏi ở TP HCM, bình quân mỗi người khoảng 4,1 triệu đồng, còn bình quân trên toàn quốc là 1,26 triệu đồng. Quỹ bảo hiểm y tế chi khoảng 20-25%, nằm trong khả năng nguồn dự phòng của Quỹ có thể hỗ trợ.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các nội dung, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, giải trình các vấn đề cơ quan thẩm tra, các ý kiến đã đặt ra.