Tham gia bán hàng online trên mạng xã hội từ lâu, chị Trương Thị Tâm (40 tuổi, tại Biên Hòa) từng phải đầu tư chi phí lớn để chạy quảng cáo, dành nhiều thời gian tương tác với người dùng nhằm gia tăng hiệu quả tiếp cận khách hàng. Những trở ngại này thúc đẩy chị tìm đến giải pháp đắc lực hơn - các nền tảng thương mại điện tử.
Gia nhập Lazada vào tháng 10/2019, chị Tâm bắt đầu làm quen với cách bán hàng trực tiếp qua Lazlive - mô hình livestream mà nền tảng này tiên phong phát triển tại Việt Nam trong khoảng hai năm trở lại đây.
Nhờ hỗ trợ của đội ngũ Lazlive, nhà bán hàng này từng bước làm quen với cách kinh doanh mới, từ việc nắm vững các kỹ thuật livestream, kỹ năng nói chuyện trước đám đông, sáng tạo nội dung cho đến cách tương tác với khách hàng sao cho hiệu quả nhất.
Thời gian đầu, chị chỉ dám thực hiện hai tập mỗi tuần, doanh thu thấp, lượng tương tác yếu. Đến tháng 3 khi Covid-19 tăng ảnh hưởng tại Việt Nam, chị quyết định đẩy mạnh livestream, nâng lên 10 tập trực tiếp mỗi tuần. Doanh số bất ngờ nhảy vọt gấp 14 lần so với trước. Cùng với đó, lượng khách hàng theo dõi tăng 70 lần so với trước mà không tốn chi phí đầu tư nhiều như các hình thức khác.
"Lúc đầu, tôi còn dè dặt vì phương pháp này quá mới và miễn phí. Nhưng khi dịch bùng phát và mọi người khuyên nhau nên mua hàng trực tuyến, tôi nghĩ đây có thể là cơ hội cho mình nên 'liều' một phen. Không ngờ kinh doanh tăng tốc mạnh, kiểu bán hàng mới lại hấp dẫn và hiệu quả đến vậy", chị Tâm chia sẻ.
Xuất hiện tại Việt Nam từ cuối năm 2018, "nhân tố mới" bán hàng qua livestream đang bước vào thời kỳ cực thịnh và hứa hẹn trở thành công cụ đắc lực của các nhà bán lẻ trên môi trường TMĐT, khi Covid-19 đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số hơn bao giờ hết.
Ưu thế của bán hàng qua livestream
Mô hình bán hàng qua livestream hay còn gọi là social e-commerce không mới trên thế giới. Tuy nhiên chính trong thời điểm dịch bệnh, khi người người, nhà nhà hạn chế đến nơi đông người, hình thức này đã trở thành kênh bán hàng chủ lực hỗ trợ tốt cho các nhà bán lẻ.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Giám đốc Marketing của Lazada Việt Nam cho hay, có nhiều lý do khiến livestream trở thành đòn bẩy doanh thu cho các nhà bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử. Tận dụng lợi thế từ lượng người dùng khổng lồ có sẵn, các nhà bán hàng có thể thu hút lượng người xem đông đảo mà không tốn chi phí. Đặc biệt, trong thời dịch, các nhà bán hàng có thể duy trì kết nối trực tuyến với khách hàng dễ dàng và thường xuyên, hạn chế rủi ro lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp.
Livestream còn là công cụ mô phỏng tốt trải nghiệm mua sắm "như ngoài đời". Người mua được trực tiếp nhìn thấy người bán giới thiệu sản phẩm và video không thể chỉnh sửa, hậu kỳ nên có tính chân thực và tin cậy cao. Bên cạnh đó, mô hình này cho phép tương tác hai chiều tức thì với người dùng, giúp việc tạo đơn hàng diễn ra thuận lợi hơn. Người mua có thể đặt câu hỏi và nhận giải đáp ngay về sản phẩm, giá cả, vận chuyển hay tư vấn sử dụng.
Hàng ngày, Lazada còn thực hiện chuỗi livestream với các chuyên gia và nghệ sĩ theo các chủ đề đa dạng, kết hợp việc cập nhật thông tin với giải trí, tạo cầu nối cho cả nhà bán hàng và khách hàng. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, nền tảng livestream của Lazada thu hút hàng chục nghìn lượt xem mỗi ngày, nhờ tối ưu hóa công nghệ hiện đại, giao diện sinh động và cập nhật hiệu ứng mới thường xuyên. Khi xem livestream, khách hàng có thể xem hàng, mua hàng, thu thập mã giảm giá và theo dõi gian hàng cùng một lúc. Tất cả tạo ra một trải nghiệm mua sắm toàn diện và khác biệt cho người dùng trên môi trường trực tuyến.
Những yếu tố giúp đột phá doanh thu
Tuy nhiên, Lazada cũng lưu ý các nhà bán hàng, không phải cứ "livestream" thì sẽ đạt hiệu quả như mong đợi. Để tăng doanh thu qua kênh tương tác mới này, họ cần chủ động đầu tư cho cả nội dung và hình ảnh, kết hợp trò chơi trực tuyến để tăng hiệu quả quảng bá sản phẩm.
Chị Trương Thị Tâm, nhà bán hàng đã trải nghiệm thành công tính năng Lazlive chia sẻ, livestream không nên đặt nặng vấn đề phải bán được hàng ngày, nên xem khách hàng là bạn, chia sẻ thông tin có ích trong đời sống thường ngày của khán giả.
"Việc coi khách hàng là bạn sẽ giúp hai bên tương tác tốt hơn. Khi khách hàng đủ tin tưởng, họ sẽ tìm đến sản phẩm và gắn bó với mình lâu dài", chị Tâm khẳng định.
Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ từ sàn cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Bà Thúy Hằng cho biết, để hỗ trợ nhà bán hàng đạt hiệu quả trên livestream, nền tảng này luôn có sẵn nhân sự để hướng dẫn chi tiết các bước thực hiện, cách xây dựng nội dung thu hút cũng như giám sát xử lý các vấn đề kỹ thuật. Cùng với đó là hỗ trợ miễn phí tập phát sóng đầu tiên với dàn host (đội ngũ dẫn livestream chuyên nghiệp) nhằm giúp người bán giới thiệu gian hàng và hình dung cách vận hành trực quan.
"Ngoài ra, hàng ngày các chương trình livestream giải trí của chúng tôi cũng sẽ chủ động chọn mặt hàng mới lạ, các ưu đãi thiết thực để giới thiệu miễn phí, tăng độ nhận biết cho khách hàng về các gian hàng trên sàn", bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Giám đốc Marketing của Lazada Việt Nam - chia sẻ thêm.
Không chỉ trong thời dịch, với những ưu thế về tương tác, kết nối và sáng tạo nội dung, mô hình bán hàng qua livestream hứa hẹn tiếp tục bùng nổ trong tương lai, đủ sức trở thành "át chủ bài" mới của nhà bán lẻ trong xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
Nam Anh
Nhằm hỗ trợ các nhà bán lẻ vượt khó do Covid-19, Lazada tung gói kích cầu hướng đến 45.000 nhà bán lẻ cùng nhiều công cụ hỗ trợ kinh doanh bền vững trên nền tảng thương mại trực tuyến. Với các nhà bán lẻ đăng ký mở gian hàng thành công trong tháng 5, nền tảng miễn phí vận chuyển nội thành cho 10 đơn hàng đầu tiên. Thông tin chi tiết xem tại đây.
Bên cạnh đó, nền tảng này cũng tổ chức chuỗi chương trình livestream nhằm nâng cao trải nghiệm giải trí bổ ích trong thời dịch như LazLearn, LazGetfit, LazCook phát sóng 12h và 20h hàng ngày, góp phần mang đến giải pháp sáng tạo giúp các nhà bán lẻ dễ dàng tiếp cận đông đảo người dùng.